Sầu riêng, chanh leo của Việt Nam được ưa chuộng ở Trung Quốc, Úc...
Là doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây sang nhiều thị trường, bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho biết, ngoài Trung Quốc, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam đang được ưa chuộng ở Australia.
Theo bà Ngô Tường Vy, trong 1 năm trở lại đây, ngoài thị trường Trung Quốc, Công ty Chánh Thu mang quả sầu riêng của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc…
"Điều đáng mừng là tại các thị trường này, sầu riêng Ri6 của Việt Nam được đánh giá rất cao, đặc biệt, tại Úc, sầu riêng Ri6 của Việt Nam còn được ưa chuộng hơn cả sầu riêng Musang King của Malaysia" - bà Vy cho biết.
Xác định sầu riêng là sản phẩm chủ lực nên Công ty Chánh Thu đã đầu tư nhà máy công suất lớn với 300-500 tấn/ngày.
Ngoài sầu riêng, theo bà Vy, quả chanh leo cũng là sản phẩm rất đáng được quan tâm. Nhu cầu quả chanh leo tươi của thế giới lớn, Việt Nam cần có những đề án hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch để có thể xuất khẩu.
Trung Quốc, Mỹ, EU,... tăng nhập khẩu các sản phẩm trái cây chế biến. Trong ảnh: Dây chuyền sơ chế trái cây xuất khẩu của Công ty CP Ameii Việt Nam. Ảnh: P.V
Tương tự, ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), cho biết, hiện nay ở Tây Nguyên, công ty chỉ có 11.000ha diện tích trồng chanh leo cung cấp cho 4 nhà máy chế biến.
"Sắp tới tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng sẽ diễn ra, trong khi đó hiện nay sản phẩm từ chanh leo của Việt Nam chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu thế giới. Chính vì vậy các địa phương, các đơn vị ở khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục trồng và phát triển chanh leo theo quy mô lớn" - ông Đinh Cao Khuê gợi ý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động, doanh thu của công ty vẫn tăng, các đơn hàng tăng gấp đôi do nhu cầu trái cây, trái cây chế biến của thế giới tăng.
Doanh nghiệp vào cuộc đua chế biến trái cây
Theo thông tin từ https://www.gminsights.com, thị trường rau quả chế biến toàn cầu dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2020 - 2027.
Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật lớn thứ 9 toàn cầu, tốc độ xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra thị trường thế giới trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 22,15%/năm, từ 424,17 triệu USD năm 2016 tăng lên 929,78 triệu USD năm 2020.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã qua chế biến đạt 653,5 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.
Dự báo trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, rau quả chế biến vẫn sẽ là chủng loại sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu.
Các thị trường xuất khẩu chính mặt hàng rau quả chế biến của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia …
Dừa sáp Trà Vinh được xuất khẩu sang Australia và bán với giá 600.000 đồng/quả. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Australia.
Trong bối cảnh xuất khẩu hàng rau quả tươi sang Trung Quốc gặp khó khăn, doanh nghiệp ngành rau quả của Việt Nam chuyển dịch thành công sang sản phẩm rau quả chế biến.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng 24,8% so với 9 tháng đầu năm 2020.
Ngoài trái cây tươi, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu trái cây đã qua chế biến. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 8 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật từ thế giới đạt 1,38 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam là nguồn cung chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật lớn nhất cho Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Trung Quốc từ Việt Nam đạt xấp xỉ 254 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng 154,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật của Mỹ từ Việt Nam đạt 152,25 triệu USD, tăng 53,4% so với 8 tháng đầu năm 2020.
Đáng chú ý, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến bảo quản trái cây tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước đó, với 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ và khoảng 156 nhà máy chế biến có dây chuyền, công nghệ hiện đại.
Nhưng trên thực tế, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng sơ chế 8 - 10% sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm. Đến nay, 76,2% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến.
So với yêu cầu phát triển và hội nhập trong điều kiện cạnh tranh mới, thì ngành chế biến rau quả vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế. Sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm, đóng góp vào giá trị gia tăng của rau quả hàng hóa còn thấp, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ đối với việc thay đổi cơ cấu cây trồng.
Theo Dân Việt