Vợ chồng xài tiền chung hay riêng?

09/12/2018 - 09:44

Có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều khi bàn về vấn đề “vợ chồng xài tiền chung hay riêng”. Ai cũng nêu nhiều lý do được cho rằng hợp lý để bảo vệ quan điểm của mình.

Tiền góp chung

Ngày nay, người phụ nữ càng ngày càng tách ra khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào người đàn ông. Họ có thể tự mình kiếm tiền và có khi thu nhập còn nhiều hơn nam giới. Trong một số trường hợp, người phụ nữ còn có tài sản riêng trước khi lập gia đình. 

Chị Thùy Minh là nhân viên kinh doanh của một trung tâm phân phối thiết bị nha khoa. Vì mãi kiếm tiền nên ngoài ba mươi tuổi, Minh mới lập gia đình. Lợi, chồng Minh là nhân viên văn phòng, thu nhập của anh ở mức khá thấp. Biết vậy, chị Minh khéo léo đề nghị anh góp tiền lương làm quỹ chi tiêu chung.

Mặc dù phần bỏ vào của chị Minh nhiều hơn phần của anh Lợi gấp mấy lần nhưng đã góp chung vô rồi thì không phân biệt ai nhiều, ai ít. Chị Minh không ỷ lại, anh Lợi cũng không tự ti. Tâm lý cả hai đều thấy thoải mái cùng nhau thực hiện mục tiêu chung là phát triển kinh tế gia đình ngày càng sung túc đi đôi với vun đắp hôn nhân hạnh phúc. Hơn mười năm chung sống, có chung hai mặt con, cùng quản lý chung một công ty và tất nhiên vẫn xài tiền chung, đôi vợ chồng này vẫn khiến không ít bạn bè “ganh tỵ”.

Cũng cùng mô hình tiền chung nhưng trường hợp của vợ chồng anh Hùng lại có kết cục khác. Vợ chồng anh canh tác trên một mẫu đất do ba má anh để lại. Đến vụ, thu hoạch bao nhiêu tiền, vợ anh quản lý hết với lý do, anh là nông dân quanh năm cắm mặt ngoài vườn, đi đâu mà cần tiền, mọi thứ chi tiêu trong ngoài, chị lo hết, thậm chí trà rượu của anh chị cũng mua cho đầy đủ. Vậy anh cất tiền làm gì, cần gì anh hỏi, chị đưa.

Nghe ra thì rất có lý nhưng phải ngửa tay xin vợ từng đồng bạc do chính mình bỏ công sức làm ra, đôi lúc anh Hùng  cũng cảm thấy khó chịu. Đỉnh điểm của sự việc khiến xảy ra xung đột là việc chị ruột anh làm ăn thua lỗ, biết anh Hùng có tiền dư, hơn nữa nghĩ đất đai là do ba má chị để lại nên chị anh Hùng sang hỏi vợ chồng anh vay mượn một số tiền. Anh Hùng rất muốn giúp chị mình nhưng vợ anh nhất quyết không đồng ý bảo tiền gom góp để sửa nhà không thể cho mượn được. Anh lại không có một xu dính túi nên đành bất lực. Thương chị, Hùng thuyết phục vợ mãi không được đâm ra cáu gắt gây gổ, cuộc cãi vã ngày càng kịch liệt, trong cơn nóng giận anh tát chị một cái rõ đau. Chị lồng lộn lên dọa ra tòa ly dị.

Có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau khi bàn về vấn đề “vợ chồng xài tiền chung hay riêng”

Tiền ai người ấy xài

Giang  và Thanh là đôi vợ chồng trẻ, sống xa nhà nên phải tự lập mọi thứ. Anh chị khá thoải mái về việc tiền bạc. Cả hai quyết định tiền ai người ấy quản lý. Tiền nhà, tiền điện nước và đại loại các loại tiền có ghi biên lai, anh chi. Tiền chợ và những mặt hàng thuộc “dầu lửa nước mắm”, chị chịu. Quan hôn tang tế, ngoại giao, giúp đỡ gia đình… bên nào người ấy chi. Họ hoàn toàn không biết và không kiểm soát được số tiền tích lũy của đối phương.

 Ai cũng nghĩ, theo cách đó thì sẽ rất khó khi có con chung. Vậy mà, họ vẫn giải quyết được bằng cách tiền sữa sùng tã lót, tiền bác sĩ (nếu có), anh chi. Tiền mua sắm khăn áo, thức ăn, chị chi. Mỗi khi đến ngày lễ tết hoặc sinh nhật, họ đều tặng quà cho nhau và vì món quà là tiền riêng của mỗi người nên họ thấy rất có ý nghĩa.  Càng thoải mái hơn khi cả hai được tự do giúp đỡ cho bố mẹ, anh chị em mình mà không bị đối phương kiểm soát. Không biết về lâu dài, đây có phải là giải pháp tối ưu đối với hai người hay không nhưng trước mắt hơn ba năm trôi qua họ rất ổn và hạnh phúc.

Cũng giống như đôi Giang Thanh, Trước khi cưới, Hoàng - Hoa đã thảo luận và soạn một bản thỏa thuận quy ước 10 điều áp dụng cho cuộc sống vợ chồng sau này. Trong đó có khoản “tiền ai người ấy xài” ngoài các khoản đóng góp nhất định.

Do không biết vén khéo, tháng nào Hoa cũng chi tiêu hết phần tiền của mình còn vay mượn của đồng nghiệp. Hoàng bỏ tiền riêng trả nợ cho vợ, xót của, anh càm ràm. Thế là xảy ra mâu thuẫn, nghi ngờ nhau.

Nhưng chuyện mà chị Hoa không bao giờ nghĩ tới là có một ngày anh đã dùng tiền riêng mua nhà, nuôi bồ nhí. Sau năm năm chung sống, họ đường ai nấy đi, may mắn là họ chưa có con với nhau.

Ngoài tình yêu là nhân tố quan trọng không thể thiếu trong hôn nhân thì tài chính góp phần không nhỏ xây dựng nên một gia đình bền vững, phát triển và hạnh phúc

Giải pháp nào là tối ưu?

Thật ra không có giải pháp nào là tối ưu. Nó tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố hoàn cảnh, con người…

Tuy nhiên, nếu dựa trên nền tảng truyền thống và thực trạng xã hội nước ta để xem xét thì: Ông bà ta có câu “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”, “Của chồng công vợ” hay “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”…

Khi hai người cưới nhau tức là họ chính thức “lập một gia đình”. Gia đình đó là của chung hai người. Để vun đắp và phát triển, cả hai đều có trách nhiệm ngang nhau. Ngoài tình yêu là nhân tố quan trọng không thể thiếu trong hôn nhân thì tài chính góp phần không nhỏ xây dựng nên một gia đình bền vững, phát triển và hạnh phúc. Vì thế cả hai vợ chồng cần phải chung tay đóng góp, mọi khoản thu chi cần được công khai, cùng tham gia kiểm soát. Điều này tạo nên sự tin tưởng, gắn kết, chia sẻ giữa hai vợ chồng cũng như tất cả mọi thành viên trong gia đình.

Tóm lại, chuyện tiền trong đời sống vợ chồng là một câu chuyện muôn thuở. Tuy thuộc về lĩnh vực nhạy cảm nhưng nếu chúng ta thẳng thắn, rõ ràng, công khai cùng hướng tới một giải pháp thống nhất, cùng phục vụ cho một mục tiêu chung thì mọi việc sẽ rất nhẹ nhàng và thoải mái.

Theo BẢO NGHI (Thế giới tiếp thị)