Vốn dồi dào, ngân hàng tìm khách vay

21/10/2021 - 05:39

 - Các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh An Giang khẳng định, nguồn vốn hiện có rất dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay của người dân, doanh nghiệp (DN). Vấn đề nằm ở chỗ, khách hàng, đặc biệt là hợp tác xã (HTX), người vay tiêu dùng, không đủ điều kiện để được vay theo quy định của TCTD.

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh An Giang

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang, ngành ngân hàng đang có vốn đầu tư rất cao (110.000 tỷ đồng), tương đương 118% GRDP của tỉnh (mức 93.200 tỷ đồng, tính đến tháng 6-2021). Vốn ngân hàng không thiếu, có thể đáp ứng kịp thời, đầy đủ cho người dân, DN. An Giang phấn đấu đến cuối năm 2021, tổng dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, mới thực hiện được gần 87.000 tỷ đồng. Theo tình hình này, khả năng đến cuối năm 2021, toàn tỉnh chỉ có thể đạt tổng dư nợ khoảng 95.000 tỷ đồng.

Trong khi vốn dư, không cho vay hết nhưng có nhiều ý kiến phản ánh rằng, “người dân, DN khó tiếp cận vốn vay ngân hàng”. Làm rõ vấn đề này, các TCTD khẳng định, sẵn sàng cho vay để đạt chỉ tiêu dư nợ. Mỗi nơi có cách làm khác nhau, thậm chí, hàng ngày, nhiều ngân hàng “tung quân” đi tìm khách hàng để cho vay. Đặc biệt, An Giang là một trong những tỉnh có hoạt động cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đứng đầu ĐBSCL, khi số hộ dân được tiếp cận vốn vay gần như phủ đầy (hơn 500.000/525.000 hộ).

“Đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, chỉ cần người vay chứng minh được bản thân có nguồn thu cơ bản ổn định để trả nợ, chúng tôi sẵn sàng cho vay đến 24 tháng lương. Tuy nhiên, họ không chứng minh được điều này, hoặc không có việc làm, chỉ muốn vay để lấy tiền tiêu dùng. Vậy thì làm sao ngân hàng có thể cho vay được” - đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh An Giang bày tỏ.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Võ Hồng Nho chia sẻ: “Chúng tôi rất chú trọng đối tượng khách hàng là HTX. Tuy nhiên, theo Khoản 3, Điều 9 Nghị định 55/2015/NĐ-CP, khách hàng vay phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND cấp xã xác nhận. Quy định này rất khó cho HTX khi vay vốn TCTD mà không có tài sản đảm bảo, do hầu hết HTX không có tài sản thế chấp. Thậm chí, rất nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc. Chi nhánh đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo hướng “không quy định HTX phải nộp các giấy tờ trên”; lấy phương án sản xuất - kinh doanh khả thi của HTX làm cơ sở, TCTD xem xét, quyết định cho vay bảo đảm (hoặc không có bảo đảm) theo thẩm quyền TCTD. Vì phạm vi điều chỉnh của Nghị định 55 thuộc Chính phủ, nên rất cần thêm ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương. Khó khăn còn nằm ở chỗ, lãi suất cho vay mức 4,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao) tuy được chú trọng đầu tư, nhưng nội dung này chỉ chiếm chưa đến 4% trên tổng dư nợ (3.142/79.443 tỷ đồng)”.

Một nguyên nhân khác khiến việc cho vay gặp nhiều khó khăn là giãn cách xã hội. Việc đi kiểm tra, thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng không thể như trước, ảnh hưởng đến thời gian cho vay. Đại diện Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh An Giang khẳng định: “Hiện nay, chúng tôi có nguồn vốn dồi dào, tăng trưởng quý I, II-2021 (trước khi dịch bùng phát) rất tốt. Tăng trưởng hiện nay bị chựng lại, dư nợ giảm xuống, trong đó hơn 3.200 khách hàng chưa nhận nợ. Tuy nhiên, chỉ cần bước vào trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất - kinh doanh hồi phục, chắc chắn hoạt động giải ngân sẽ được tiếp tục, đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng của đơn vị”.

Trước đây, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu mang lại hiệu quả tích cực, giúp An Giang giảm gần 1.900 tỷ đồng nợ xấu. Đến tháng 9-2021, nợ xấu của tỉnh chỉ 730 tỷ đồng, chiếm 0,84% tổng dư nợ, cho thấy mọi thứ đang trong tầm kiểm soát của các TCTD. Tuy nhiên, sau nhiều tháng dịch bệnh hoành hành, làm ảnh hưởng mọi mặt kinh tế - xã hội. Do đó, các TCTD đứng trước nỗi lo nợ xấu tăng cao, vì khách hàng vay gặp khó trong sản xuất - kinh doanh, kéo theo khả năng chi trả nợ vay giảm sút.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng thông tin: “Để tháo gỡ vướng mắc trên, 3 tháng cuối năm, ngành ngân hàng ưu tiên tập trung cho vay đối với các ngành nghề lĩnh vực khuyến khích, phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế… theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm tạo điều kiện cho DN và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch; tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc hỗ trợ khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Điều quan trọng nhất là chúng tôi sẽ tăng cường kết nối ngân hàng - DN, tổ chức đối thoại với DN để tháo gỡ khó khăn cho họ”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại cần tích cực tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng, tăng cường khai thác data dữ liệu DN trên địa bàn, nguồn khách hàng hiện hữu; nghiên cứu nhu cầu khách hàng để có các gói tín dụng phù hợp quy mô và hoạt động của khách hàng ở từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang duy trì tiếp nhận thông tin phản ánh, đề nghị hỗ trợ của khách hàng qua đường dây nóng (02963.843.662 – 02963.844.245); các TCTD cũng có đường dây nóng riêng. Xu hướng tới, các TCTD đơn giản hóa thủ tục, quy trình nội bộ về cho vay khách hàng, giảm tối đa giấy tờ không cần thiết nhằm phục vụ tốt nhất, nhanh nhất cho khách hàng.

VẠN LỘC

 

Liên kết hữu ích