VPI dự báo giá xăng dầu có thể giảm 3% trong kỳ điều hành ngày 24/10

22/10/2024 - 19:03

Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) dự báo, tại kỳ điều hành ngày 24/10 tới đây, giá xăng dầu có thể giảm từ 1,2 - 3,1% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Chú thích ảnh

Mua bán xăng, dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành tới đây có thể giảm 1,2%, đưa giá xăng E5 RON 92 về mức 19.500 đồng/lít, còn xăng RON 95-III về mức 20.714 đồng/lít.

Mô hình của VPI dự báo kỳ này giá dầu được dự báo giảm nhẹ từ 1,8 - 3,1%; trong đó dầu diesel giảm mạnh nhất khoảng 3,1%, tương đương 562 đồng về mức 17.758 đồng/lít. Tiếp theo là dầu mazut có thể giảm 2% về mức 15.776 đồng/kg, còn dầu hỏa có thể giảm 1,8% về mức 18.286 đồng/lít. VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trên thị trường thế giới, trong phiên chiều 22/10, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tháng 12/2024 giảm 0,3%, xuống còn 74,1 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tháng 12/2024 giảm 0,2%, xuống còn 69,9 USD/thùng.

Nhà phân tích hàng hóa Satoru Yoshida tại công ty dịch vụ đầu tư và tài chính Rakuten Securities nhận định, giá dầu thô dao dộng là phản ứng của thị trường trước thông tin Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Trung Đông. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa công du đến Trung Đông, với nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán, nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza và tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 21/10 cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ vẫn yếu vào năm 2025, do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đẩy nhanh quá trình điện khí hóa phương tiện cơ giới và tăng trưởng kinh tế chậm chạp.

Số liệu công bố vào thứ Sáu tuần trước cho thấy nền kinh tế Trung Quốc trong quý III/2024 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ đầu năm 2023 làm gia tăng lo ngại về nhu cầu dầu mỏ. Ngoài ra, dữ liệu hải quan cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 45,5 triệu tấn dầu thô trong tháng 9, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp nhập khẩu dầu thô của nước này giảm so với cùng kỳ.

Theo TTXVN