Vui Tết Chol Chnam Thmay

14/04/2023 - 06:50

 - Theo truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, Tết Chol Chnam Thmay mới thật sự đánh dấu khởi đầu của năm mới – khởi đầu vụ sản xuất mới khi mưa xuống, với kỳ vọng một năm ấm no, sung túc. Đối với đồng bào DTTS Khmer ở An Giang, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2023 (ngày 14, 15 và 16/4) càng rộn ràng hơn khi bà con “trúng mùa, trúng giá”, được quan tâm chăm lo về vật chất, tinh thần; phum, sóc, chùa Khmer được đầu tư, nâng cấp, càng thêm bừng sáng…

Tự hào với “báu vật” vùng Bảy Núi

Ngay trước thềm Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2023, bà con phật tử Khmer vùng Bảy Núi chào đón tin vui: Hòa thượng Chau Ty, pháp danh Khanh Đek Kô (trụ trì chùa Soài So) được Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2022-2027) suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Buổi lễ chúc mừng hòa thượng Chau Ty được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang tổ chức trang trọng, có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành; đại diện Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông từ 11 huyện, thị xã, thành phố đến chúc mừng.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang tặng hoa và quà chúc mừng Tết Chol Chnam Thmay

Từ lâu, hòa thượng Chau Ty trở thành niềm tự hào của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi khi nắm giữ kỹ thuật chế tác, khắc chữ Khmer, Pali trên lá buông, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vì “Đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc”. Đây là di sản văn hóa, tinh thần độc đáo của người Khmer.

Theo đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang đến năm 2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt, An Giang sẽ tiến hành thực hiện tư liệu hóa và số hóa các bản chữ viết trên lá buông của người Khmer An Giang. Đồng thời, dịch thuật, xây dựng mới một số bản kinh nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng về bảo tồn di sản.

Từ nền tảng này, sang giai đoạn 2028-2033, tỉnh sẽ tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO công nhận tư liệu tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer An Giang là Di sản thuộc về ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Lãnh đạo huyện Tri Tôn chúc Tết Chol Chnam Thmay. Ảnh: N.C

Trong chuyến thăm, chúc Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2023 tại tỉnh An Giang, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Trần Thị Minh Nga đã đến chúc mừng hòa thượng Chau Ty được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Dịp này, hòa thượng Chau Ty đã dành thời gian giới thiệu, hướng dẫn đoàn công tác Trung ương chiêm ngưỡng “báu vật” của chùa là bộ kinh Phật được khắc trên lá buông, do chính hòa thượng Chau Ty khắc vào năm 1970. “Kinh lá buông có ý nghĩa và giá trị rất lớn trong đời sống tâm linh cũng như văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS Khmer. Chúng tôi đang cố gắng giữ gìn và phát huy những “báu vật” này” - hòa thượng Chau Ty nói.

Niềm vui rộn rã

Ở những địa phương có đồng bào DTTS Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang, không khí đón mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay luôn rộn rã. Năm nay, bà con sản xuất nông nghiệp thuận lợi, được quan tâm chăm lo đầy đủ chính sách.

Trong các phum, sóc, đường sá được đổ bê-tông, gắn đèn đường. Các chùa Nam tông Khmer cũng được quan tâm nâng cấp, trùng tu. Chùa Khmer là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS Khmer, cũng là nơi tổ chức các hoạt động lễ, Tết. Những ngôi chùa sáng rực càng làm cho không khí đón năm mới của bà con Khmer thêm vui tươi, đầm ấm.

Trẻ em Khmer nhận quần áo mới

Với những gia đình Khmer nghèo, học sinh khó khăn, cũng luôn được chăm lo, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Điển hình như tại Trường Tiểu học “B” Châu Lăng (huyện Tri Tôn), Ban Từ thiện chùa Thanh Tuyền đã cùng với Xã đoàn Châu Lăng tổ chức chương trình Ngày hội áo mới cho trẻ em, tặng 150 bộ quần áo mới kèm phần quà là bánh kẹo để học sinh Khmer vui đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.

Ban Từ thiện chùa Thanh Tuyền còn phối hợp Liên hiệp Phụ nữ huyện Tri Tôn, Nhóm thiện nguyện TX. Tân Châu tổ chức Chuyến xe yêu thương, trao 250 quà cho phụ nữ, người già neo đơn, học sinh Khmer nghèo, giúp mọi người có niềm vui trong năm mới. Giá trị trao tặng tuy không quá lớn (khoảng 100 triệu đồng), nhưng ý nghĩa tinh thần rất đáng trân trọng.

Trường Đại học An Giang tổ chức lễ đón Tết Chol Chnam Thmay năm 2023. Ảnh: THANH HÙNG

Theo Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Trần Thị Minh Nga, cùng với cộng đồng 54 dân tộc anh em, đồng bào DTTS Khmer thời gian qua đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

“Tôi mong rằng, bà con không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, cùng các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, ra sức thi đua lao động, sản xuất và hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương” - bà Nga chia sẻ khi đến An Giang chúc mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào DTTS Khmer.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly cho biết, thời gian qua, cùng với nỗ lực lao động - sản xuất, đồng bào DTTS Khmer còn tích cực đóng góp ngày công, kinh phí nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm đẹp phum, sóc, góp sức xây dựng nông thôn mới trong vùng dân tộc.

“Các vị sư sãi, à cha thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con phật tử Khmer chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước, tích cực sản xuất - kinh doanh, phát huy tinh thần đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” - Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang  Men Pholly nhấn mạnh.

An Giang đang triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đối với vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên), nơi có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, các địa phương tập trung triển khai chính sách hỗ trợ nhà, đất ở, nước sạch, chuyển đổi ngành nghề… cho người dân Khmer; đồng thời khởi công các công trình đầu tư vùng đồng bào dân tộc

 

NGÔ CHUẨN