Xây dựng Đảng trên mặt trận Dân vận - Kỳ 2: Lan tỏa "Dân vận khéo"

26/10/2023 - 09:34

 - Với phương châm hành động “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở An Giang đã tiếp tục phát huy tích cực. Từ đó, lan tỏa, được cấp ủy cơ sở, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

 

Lực lượng quân dân tuần tra bảo vệ biên giới

Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang quan tâm, thăm hỏi đồng bào tôn giáo trên tuyến biên giới nhân các ngày lễ trọng

“Khéo” trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội

Chính vì "được lòng dân", phong trào "Dân vận khéo" là cơ sở, nền tảng trong tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh ở tỉnh.

Bằng nhiều hình thức “khéo” đã tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đồng thuận đóng góp hàng trăm ngàn ngày công, hiến hàng ngàn mét vuông đất làm đường, tự tháo dỡ tường rào, cổng ngõ để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn.

Đồng thời, hỗ trợ tiền và hiện vật quy tiền hàng trăm tỷ đồng để thực hiện chính sách an sinh xã hội (thăm tặng quà; cất mới, sửa chữa nhà; tặng học bổng, bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn…) tại cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng các công trình phúc lợi xã hội (cầu giao thông, đường bê-tông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, thắp sáng đường giao thông nông thôn, trồng hoa ven lộ...).

Điển hình, tại Chợ Mới- huyện cù lao đông dân nhất tỉnh, từ năm 2020 đến cuối năm 2022, toàn huyện có 1.012 mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo xây dựng nông thôn mới” được triển khai. Qua sơ kết 3 năm (2021 - 2023), đã có 20 tập thể, 10 các nhân được đề xuất khen thưởng có thành tích xuất sắc trong thực hiện hai phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo xây dựng nông thôn mới”.

Mô hình “Ý Đảng, lòng dân” điển hình ở huyện Thoại Sơn có Hội Mái ấm tình thương huyện. Qua 15 năm hoạt động, hội đã cấp cho hộ nghèo gần 2.600 bộ cột, xây dựng trên 2.000 căn nhà cho hộ nghèo… Từ sự đóng góp của các ngành, các cấp, các nhà tài trợ, Hội Mái ấm tình thương huyện Thoại Sơn đã sản xuất hàng ngàn bộ cột, vận động hàng ngàn bộ tole lợp và cùng chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, đội thi công tình nguyện xây dựng nhà ở cho dân nghèo “an cư lạc nghiệp”. Đồng thời, còn hỗ trợ cho các hộ bị thiên tai, hỏa hoạn đột xuất; hỗ trợ người hoàn lương khó khăn về nhà ở; hỗ trợ xây dựng nhà công vụ cho giáo viên để giảm thiểu chi phí từ ngân sách Nhà nước, góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo.

Là vùng biên giới, miền núi với trên 34% dân số đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo cao, huyện Tri Tôn tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ đồng bào dân tộc, còn khó khăn, như: Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi... Từ những chính sách hỗ trợ này, nhiều hộ đồng bào dân tộc thuộc diện khó khăn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giảm nghèo.

Cụ thể, hỗ trợ các phương tiện sản xuất, như: Máy đánh đường thốt nốt, máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, máy trộn hồ, hàn tiện, máy may và các loại máy khác, để tạo công ăn, việc làm cho nông dân nông thôn. Qua đó, giúp họ cải thiện cuộc sống, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo điều kiện giảm bớt một phần khó khăn. Qua sự hỗ trợ của chính quyền, người dân yên tâm lao động, sản xuất, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ổn định an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc. “Được hỗ trợ máy đánh đường thốt nốt, giúp tôi rút ngắn thời gian đánh đường chỉ còn 1/3, đỡ cực công rất nhiều so phải đánh bằng tay. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước”- bà Néang Sa Von - nông dân xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn) được hỗ trợ máy đánh đường vui mừng bày tỏ.

Từ các phong trào “Dân vận khéo”, người dân vùng biên còn tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện. Như cựu chiến binh Huỳnh Văn Te (xã Phú Lộc, TX. Tân Châu), là tấm gương sáng, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, hết lòng vì Nhân dân, góp phần thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội ở xã biên giới.

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng chia sẻ: “Đặc thù An Giang là tỉnh biên giới, dân tộc và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, sạt lở bờ sông, nên hiện nay toàn tỉnh vẫn còn hơn 14.872 hộ nghèo và 24.370 hộ cận nghèo đang rất cần sự chung tay giúp đỡ, sẻ chia về mọi mặt để vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tốt đẹp hơn”.

Nhằm thể hiện tinh thần “Tương thân tương ái”, lá lành đùm lá rách, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư. Hưởng ứng lời kêu gọi đó của UBMTTQVN tỉnh An Giang tại lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023 và vận động “Cây mùa xuân” Tết Giáp Thìn năm 2024, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh An Giang đã tiếp nhận được 186,270 tỷ đồng. Số tiền rất đáng quý, khẳng định được ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, chung tay giúp đỡ người nghèo.

 

Bộ đội Biên phòng An Giang giúp dân cứu lúa do chìm ghe

Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang hỗ trợ con em vùng biên giới

Tỉnh ghi nhận và trao thưởng cho cá nhân đóng góp trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”

“Khéo” bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới Tây Nam

Từ dân vận khéo của Đảng, sự đồng thuận của Nhân dân, trên tuyến biên giới An Giang, mỗi người dân vùng biên giới là "cột mốc sống" bảo vệ biên giới quốc gia. An Giang luôn xác định và chú trọng xây dựng "phên dậu" trong lòng Nhân dân, cũng chính là xây dựng "phên dậu" bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người dân biên giới phải là cột mốc sống. Bảo vệ biên giới phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân. Cùng với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, thì còn có một thế trận đặc biệt quan trọng, đó là, thế trận lòng dân.

Thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này, những năm qua, lực lượng vũ trang nhân dân và lực lượng biên phòng An Giang đã tổ chức nhiều chương trình và nhiều phong trào, hành động rất cụ thể, đem lại hiệu quả, xây dựng niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và đối với lực lượng vũ trang và lực lượng biên phòng.

Tỉnh An Giang có 5 huyện, thị xã tiếp giáp nước bạn Campuchia, với đường biên giời dần gần 100km. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, lực lượng công an, quân sự và biên phòng đã làm tốt công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững mối quan hệ đoàn kết, hòa bình, hữu nghị và nhiệm vụ quốc phòng.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh còn phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, xóa đói giảm ngèo, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Đặc biệt, đã thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Các đơn vị giúp dân 9.250 ngày công tu sửa 26,2 km đường nông thôn; phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm trao tặng 53 căn nhà “Mái ấm biên cương”, “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đại đoàn kết”; tặng 10.650 phần quà, 11 tấn gạo, 75 vốn sinh kế, 241 suất học bổng, 10.500 quyển tập, 65 xe đạp, hơn 500 triệu đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm khác cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo hiếu học trên khu vực biên giới; tổng trị giá các hoạt động trên 12,1 tỷ đồng.

Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các chương trình, mô hình, cuộc vận động, như: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Nghĩa tình biên giới, biển, đảo”, “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản”, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Heo đất tình thương”… 3 năm thực hiện mô hình “Hủ gạo tình thương” các đơn vị đã tặng hơn 10.250 kg gạo, cho 1.025 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới, tổng trị giá khoảng 154 triệu đồng. Hiệu quả mang lại của mô hình, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân khu vực biên giới nâng lên rõ rệt; số hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống, cuộc sống Nhân dân ổn định.

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng An Giang chia sẻ: Học tập và làm theo gương Bác Hồ, thời gian qua, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng An Giang đã thực hiện các mô hình an sinh xã hội, giúp người nghèo, người khó khăn vùng biên giới. Việc làm trên lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, bằng các mô hình thiết thực, như: “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Mẹ đỡ đầu”, “Hũ gạo tình thương”… Hiện, 73/73 khóm, ấp biên giới đạt “Khóm, ấp văn hóa”; 48 khóm, ấp trở thành “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với 11 đồn biên phòng. 11/11 đồn biên phòng biên giới giao nhiệm vụ cho 237 đồng chí đảng viên các đồn biên phòng phụ trách 1.046 hộ gia đình trên khu vực biên giới.

Qua đó, góp phần phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể khóm, ấp, xã, phường, thị trấn biên giới cùng bộ đội biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong nắm tình hình địa bàn, tham mưu cho địa phương nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh ở các địa phương trên khu vực biên giới, cũng như xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng với Nhân dân trên địa bàn biên giới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đề nghị: Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc, đa dạng về tôn giáo, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Tìm tòi những mô hình học tập và làm theo Bác phù hợp đặc điểm, tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Tiếp tục cổ vũ, động viên đồng bào các dân tộc, đồng bào có đạo phát huy tinh thần yêu nước, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước. Xây dựng những mô hình học tập và làm theo Bác, để tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nhất là trên địa bàn biên giới.

HẠNH CHÂU

Kỳ cuối: Nâng cao sức chiến đấu của Đảng trên mặt trận dân vận