Xây dựng mô hình hợp tác xã thích ứng biến đổi khí hậu

10/07/2023 - 08:48

 - Ngày 10/7, Văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã ban hành Kế hoạch 579/KH-UBND, triển khai Quyết định 854/QĐ-TTg, ngày 19/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) của hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) vùng ĐBSCL, giai đoạn 2021-2025.

An Giang khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Mục tiêu của An Giang là đến cuối năm 2025, 100% HTXNN của tỉnh được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về BĐKH và biện pháp thích ứng với BĐKH trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Tỉnh khuyến khích các HTXNN tích cực tham gia các diễn đàn kinh tế tập thể, HTXNN do các bộ, ngành tổ chức; tiếp tục duy trì và phát triển nhóm Zalo “HTX nông nghiệp An Giang”, trong đó đại diện mỗi HTXNN là thành viên của nhóm, nhằm chia sẻ các thông tin về BĐKH, ứng dụng khoa học - công nghệ, các sáng kiến, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh và vùng ĐBSCL.

An Giang xây dựng từ 3-5 mô hình HTXNN áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với BĐKH, mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất - kinh doanh để nghiên cứu, học tập và nhân rộng. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các mô hình HTXNN đã và đang áp dụng các biện pháp thích ứng với BĐKH hiệu quả; các HTXNN tham gia Dự án VnSAT; Đề án xây dựng mô hình HTX điển hình theo Quyết định 167/QĐ-TTg; Đề án thí điểm vùng nguyên liệu theo Quyết định 1088/QĐ-BNN-KTHT, ngày 25/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục hỗ trợ củng cố, nhân rộng.

Tỉnh khuyến khích phát triển các mô hình HTX tổ chức sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (“1 phải, 5 giảm”, IPM, ICM,…), theo tiêu chuẩn chất lượng chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, SRP, ASC…).

Đồng thời, phát triển các mô hình HTXNN áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác lúa hướng đến giảm phát thải khí nhà kính, tiếp cận quỹ chi trả môi trường lúa gạo (hệ thống thâm canh lúa SRI; tưới ướt khô xen kẽ...); mô hình luân canh, xen canh cây trồng, vật nuôi; mô hình HTXNN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông minh thích ứng với BĐKH…

An Giang phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, bảo quản, chế biến lúa gạo, trái cây, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của các HTXNN; sử dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, phát triển đa dạng các mô hình liên kết giữa HTXNN với doanh nghiệp; mô hình chuỗi giá trị nông sản khép kín của HTXNN gắn với phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), du lịch nông nghiệp, nông thôn…

NGÔ CHUẨN