Vun bồi văn hóa
Chăm chú theo dõi vở diễn “Người con gái Sông Bồ” gần 2 tiếng đồng hồ, đến khi hạ màn, chiến sĩ Trần Bảo Bảo (Trung đoàn Bộ binh 892, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh An Giang) vẫn còn chìm đắm trong cảm xúc. “Đây là lần đầu tiên, tôi tiếp xúc với thể loại kịch nói, chủ đề cách mạng. Tuy nhiên, cách chuyển tải chuyên nghiệp và đặc sắc của diễn viên đã mang đến sự cuốn hút rất đặc biệt, giúp tôi hình dung phần nào gian khổ của chiến tranh. Xem vở diễn xong, tôi càng thêm tự hào về màu áo lính đang mặc, truyền thống hào hùng của quân và dân ta” - Bảo chia sẻ.
Đó là hoạt động rất thú vị do Bộ CHQS tỉnh phối hợp Nhà hát Kịch nói Quân đội tổ chức. Theo thượng tá Nguyễn Văn Thúc, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh, hoạt động nhằm đảm bảo tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội theo Thông tư 138/2020/TT-BQP, ngày 10/11/2020 của Bộ Quốc phòng.
Hàng năm, vào các dịp lễ, ngày truyền thống, lực lượng vũ trang tỉnh đều tổ chức kể chuyện truyền thống, tọa đàm, giao lưu văn hóa, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ với chi đoàn kết nghĩa, tổ chức sinh nhật chiến sĩ, thi báo tường... góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Các tiết mục ca, múa, nhạc, kịch… đi sâu phản ánh nhiệm vụ và hoạt động của cơ quan, đơn vị; khắc họa rõ nét, làm nổi bật hình ảnh, phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trên nhiều lĩnh vực, mang đậm nét văn hóa quê hương.
Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã tập trung quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức của CBCS (nhất là đội ngũ cán bộ chính trị) về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong quân đội, xác định đây là hoạt động quan trọng góp phần định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động, xây dựng lối sống có văn hóa, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách người quân nhân cách mạng.
Đảng ủy Quân sự tỉnh An Giang và cấp ủy Đảng, chỉ huy cơ quan, đơn vị thường xuyên chăm lo, đầu tư, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa tại đơn vị. Hệ thống pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu tuyên truyền, cảnh quan, môi trường, sân bãi luyện tập thể dục- thể thao, hệ thống loa, đài… được cấp phát và đầu tư đồng bộ theo khả năng của từng cơ quan, đơn vị, đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa, tinh thần, hoạt động thể dục - thể thao cho CBCS.
Xây bức tường thành
Bên cạnh sự tồn tại của các thách thức an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, đe dọa đến an ninh, ổn định của nhiều nước. Vì thế, cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chỉ thị 355-CT/QUTW, ngày 20/4/2017 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, công tác văn hóa, văn học nghệ thuật trong quân đội giai đoạn hiện nay” đã ra đời.
Cấp ủy có trách nhiệm lãnh, chỉ đạo quán triệt, học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội các cấp; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của CBCS, đảng viên về tư tưởng, đạo đức cách mạng, thực hiện văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên. Từng cá nhân ra sức phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện xây dựng đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, lối sống văn hóa, văn minh, nghĩa tình, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Theo đại tá Nguyễn Thúc Linh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh An Giang, trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch với chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh đẩy mạnh ngăn chặn biểu hiện cục bộ, chia rẽ bè phái, tệ nạn xã hội, văn hóa xấu độc… xâm nhập vào đơn vị. Duy trì định hướng tư tưởng CBCS, giáo dục CBCS xác định rõ “đối tượng, đối tác”, xây dựng lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng, ngày càng hoạt động hiệu quả.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và địa phương nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; thường xuyên bồi dưỡng, củng cố đội ngũ chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận đề cao cảnh giác, bảo đảm 100% cơ quan, đơn vị an toàn tuyệt đối.
Từng thủ trưởng đơn vị thường xuyên theo dõi, nắm tình hình tư tưởng, mối quan hệ xã hội của quân nhân, theo dõi định hướng quân nhân có nhận thức đúng khi tham gia mạng xã hội; không để ấn phẩm có nội dung xấu trên mạng không chính thống xuất hiện trong đơn vị. Cùng với đó, tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho CBCS tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phá hoại trên mạng xã hội; chủ động thông tin kịp thời và định hướng về sự kiện, hiện tượng và vấn đề nảy sinh trên thế giới, trong nước, tại địa phương, đơn vị, đáp ứng kịp thời nhu cầu nhận thức, tiếp cận thông tin của CBCS.
Khi được vun bồi về văn hóa, được bảo vệ trước các “hiểm họa thông tin xấu độc”, CBCS sẽ vững tin khắc phục mọi khó khăn, gắn bó sâu sắc với đồng chí, đồng đội và môi trường quân ngũ. Những điều tích cực ấy sẽ trực tiếp nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
G.K