Xây dựng Mỹ Khánh thành xã nông thôn mới nâng cao

31/12/2020 - 04:54

 - Địa hình xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên, An Giang) bằng phẳng, nhưng là điểm thấp trũng, nhiều sông, kênh, rạch chằng chịt, khí hậu thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các vườn cây ăn trái, làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp. Nhiều năm trước, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Mỹ Khánh có xuất phát điểm thấp hơn các địa phương khác.

1 năm sau, Mỹ Khánh có 28 chỉ tiêu (14 tiêu chí) đạt và vượt; 10 chỉ tiêu ở ngưỡng cửa hoàn thành (đạt từ 70% - dưới 100%); 6 chỉ tiêu đạt khá (từ 50% - dưới 70%); 15 chỉ tiêu đạt thấp (dưới 30% so chỉ tiêu đề ra). Tính theo lộ trình xây dựng NTM thì Mỹ Khánh đạt mức 47,46% - một tỷ lệ hết sức khiêm tốn trong giai đoạn mở đầu. Bằng sự mạnh dạn đổi mới phương thức điều hành, lấy việc xây dựng hộ gia đình NTM làm hạt nhân, ưu tiên thực hiện những tiêu chí dễ, cần ít vốn đầu tư để thực hiện trước, cuối năm 2016, Mỹ Khánh trở thành xã đạt chuẩn NTM.

Giờ đây, Mỹ Khánh tạo dựng thành công thương hiệu “Dịch vụ du lịch (DL) sinh thái cộng đồng”, từ mục tiêu “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, gắn phát triển dịch vụ thương mại - DL và tiểu thủ công nghiệp”, tiến hành khâu đột phá “50% diện tích đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao gắn với DL sinh thái cộng đồng”.

Mô hình này là loại hình DL gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường và tôn trọng tập quán của người dân, gắn kết với nông dân làm kinh tế nông nghiệp, phát huy các nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Du khách xa gần có thể trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên sông nước, tự tay câu cá, bắt ếch, thu hoạch trái cây, thưởng thức các món ăn dân dã ở nông trại Phan Nam; tham quan các vườn trái cây ứng dụng công nghệ cao…

Cầu nông thôn Mỹ Khánh được đóng góp xây dựng

Các mô hình này góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, ổn định thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Hiện, xã Mỹ Khánh không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 6,7%. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm gần 53 triệu đồng, tăng giá trị sản xuất từ 99 triệu lên 160 triệu đồng trên cùng một đơn vị diện tích. Đây được xem là hướng đi mới nhằm từng bước rút ngắn khoảng cách với thành thị, phấn đấu đạt danh hiệu “Xã NTM nâng cao” vào năm 2021, “NTM kiểu mẫu” vào năm 2025.

Qua đối chiếu kết quả thực hiện năm 2020, xã Mỹ Khánh tự đánh giá đạt 16/19 tiêu chí và 31/35 chỉ tiêu trong xây dựng NTM nâng cao. Điểm nổi bật là công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn kịp thời; cán bộ, nhân dân tin tưởng, đồng thuận, tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Kết hợp với sự lãnh, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo và sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, tạo điều kiện thuận lợi để xã duy trì và nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt.

Tuy nhiên, xã Mỹ Khánh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Vẫn còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn- tiêu chí 7 (chưa giải quyết dứt điểm việc nhóm họp chợ tự phát); lao động có việc làm - tiêu chí 12 (tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có việc làm qua đào tạo thấp, chỉ 40,4% so với quy định 65%); hình thức tổ chức sản xuất - tiêu chí 13 (hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực hiện được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của xã phù hợp định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp).

Trong khi đó, việc huy động nguồn lực trong xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng còn khó khăn vì doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở sản xuất trong xã có quy mô nhỏ, số lượng ít. Nông dân tuy có liên kết trong sản xuất, nhưng nhỏ lẻ, đầu ra không ổn định, dẫn đến tâm lý e ngại, chưa quyết định áp dụng canh tác theo hướng hiện đại, quy mô lớn, tập trung, công nghệ cao.

“Để hoàn thành mục tiêu trở thành xã NTM nâng cao vào năm 2021, địa phương tiếp tục phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, phát huy cao độ cả hệ thống chính trị từ xã đến ấp; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền, nhằm nâng cao tính tự giác của nhân dân, đẩy mạnh hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu đã đề ra. Ở từng tiêu chí chưa đạt, địa phương đề ra giải pháp cụ thể.

Điển hình như đối với tiêu chí 7, chúng tôi tăng cường quản lý địa bàn, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, không để các điểm kinh doanh tự phát xuất hiện ngoài khu vực quy hoạch chợ; vận động chủ đầu tư hoàn thiện hệ thống chợ và cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, phù hợp điều kiện thực tế và nhu cầu của người dân.

Đối với tiêu chí 12, tập trung vận động người từ đủ 15 tuổi chưa có việc làm (hoặc việc làm không ổn định, chưa có văn bằng, chứng chỉ) tham gia học nghề; nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đối với tiêu chí 13, củng cố và nâng cao hoạt động của các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012; triển khai Chương trình OCOP đảm bảo 2 sản phẩm chủ lực…” - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh Nguyễn Thái Phong thông tin.

Mỹ Khánh là xã vùng ven thuần nông của TP. Long Xuyên, nằm ngay ngã ba giữa TP. Long Xuyên với huyện Thoại Sơn và huyện Châu Thành. Toàn xã có diện tích tự nhiên trên 958ha, với 2.815 hộ, 11.604 nhân khẩu. Đa số người dân sống bằng nghề nông, số còn lại hoạt động dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ.

 

Bài, ảnh: GIA KHÁNH