Xây dựng nông thôn mới thành nơi đáng sống, nơi để quay về

28/07/2023 - 04:22

 - Muốn giải quyết được câu chuyện “ly nông bất ly hương”, phải làm sao để người dân nông thôn sống được ngay tại quê hương mình, không phải “tha phương cầu thực”. Ngay cả những người đã chấp nhận đi xa, vẫn có thể quay về, ổn định sinh kế trên vùng nông thôn mới (NTM).

Vùng nông thôn thú vị hơn

Lâu nay, nhiều người không còn xa lạ với hình ảnh những ngôi nhà vùng quê đóng cửa im ỉm hoặc chỉ còn cụ già, trẻ nhỏ. Trong khi lao động chính kéo nhau lên các thành phố, khu công nghiệp lớn chấp nhận làm thuê, làm công nhân để lo cho gia đình. Rồi khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, kéo theo kinh tế thế giới suy thoái, sức tiêu dùng giảm, nhiều công ty, nhà máy khan hiếm đơn hàng, buộc phải cắt giảm, sa thải bớt lao động.

Ở xứ người giờ đây cũng khó sống, nhiều người kéo nhau về quê, bởi không đâu bằng nơi “chôn nhau cắt rốn”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, đây là lúc 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, cần phát huy hiệu quả.

Các địa phương không nên triển khai từng chương trình rời rạc, mà cần kết hợp đồng bộ để tạo động lực lớn cho các vùng nông thôn. Trong đó, quan tâm hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), tạo ra hàng hóa đặc trưng, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của các làng quê nông thôn, phát triển làng nghề, tạo điểm nhấn thu hút du lịch nông thôn, xây dựng NTM thành nơi đáng sống, nơi để quay về.

Các địa phương phải ủng hộ và làm cho người dân tự hào với sản phẩm đặc trưng vùng nông thôn

Điển hình như ở xã biên giới Lạc Quới (huyện Tri Tôn), trong nỗ lực xây dựng NTM, địa phương phát huy niềm tự hào có công viên văn hóa Võ Văn Kiệt, nơi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng phát lệnh đào kênh T5 - Tuần Thống, khởi đầu cho dự án thoát lũ ra biển Tây. Đối với chợ Lạc Quới (gần UBND xã và công viên văn hóa Võ Văn Kiệt), được xây dựng văn minh, đạt tiêu chuẩn chợ nông thôn, nơi buôn bán ổn định, hiệu quả của 34 hộ tiểu thương.

Mới đây, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh kết hợp Huyện đoàn Tri Tôn tổ chức ra mắt mô hình “Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa” tại xã biên giới Lạc Quới. “Tuổi trẻ Tri Tôn hy vọng sẽ giúp các tiểu thương tại chợ nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng một lần các sản phẩm nhựa khó phân hủy. Từ đó, xây dựng lối sống xanh - sạch - đẹp, văn minh ở vùng nông thôn” - Phó Bí thư Huyện đoàn Tri Tôn Lê Thị Quyền Trang thông tin.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lạc Quới Võ Văn Ban cho biết, trong nỗ lực xây dựng NTM, đến nay, tất cả 3 tuyến đường chính kết nối với trung tâm xã Lạc Quới, tổng chiều dài 64km, đều đã được láng nhựa. “Xã đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2023 được công nhận đạt chuẩn xã NTM, mục tiêu cũng vì nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn” - ông Ban chia sẻ.

Nâng cao đời sống nông thôn

Cùng với cả nước, An Giang đang tập trung cho nhiệm vụ xây dựng NTM. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, bằng nhiều nỗ lực, đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM (huyện Thoại Sơn), hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên). “Tỉnh đang tập trung hỗ trợ huyện Thoại Sơn hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao. Nếu được Thủ tướng Chính phủ công nhận, Thoại Sơn có thể là huyện NTM nâng cao đầu tiên trong cả nước” - ông Nguyễn Sĩ Lâm thông tin.

Kết quả xây dựng NTM của An Giang cũng khả quan khi đến nay, có 71/110 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 64,54%), trong đó có 29 xã NTM nâng cao; số tiêu chí đạt bình quân 16,5 tiêu chí/xã.

Nhờ xây dựng NTM, đến nay có 71 xã đạt tiêu chí giao thông; 100% số xã đạt tiêu chí về thủy lợi và phòng, chống thiên tai (hệ thống thủy lợi nội đồng hoàn thiện, đảm bảo chủ động tưới và tiêu cho diện tích sản xuất đất nông nghiệp); 83,63% số xã đạt tiêu chí về điện; 74,54% số xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; 88,18% đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 81,81% đạt tiêu chí về nhà ở dân cư…

Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 53,9 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 5 triệu đồng so năm 2021. Riêng khu vực nông thôn, thu nhập bình quân khoảng 51,9 triệu đồng/người/năm, tăng 4,77 triệu đồng.

 Trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương quan tâm đến việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập tại chỗ hoặc có việc làm, ổn định cuộc sống khi trở về nông thôn. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 có ít nhất 87/110 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 79%), trong đó có thêm ít nhất 21 xã đạt NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu cũng nhằm mục tiêu này.

“Tôi đi công tác, dự họp ở nhiều địa phương đang xây dựng NTM, thấy nhiều nơi mời ăn bánh và các sản phẩm nhập khẩu. Tại sao không mời dùng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương? Các địa phương phải có ý thức trân quý sản phẩm nông thôn, ưu tiên sử dụng sản phẩm OCOP tại các sự kiện của địa phương; phải làm cho người dân tự hào về quê hương, tự tin với sản phẩm OCOP thì mới yên tâm đầu tư phát triển. Sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng cũng là những sản phẩm phục vụ du lịch. Kinh tế nông thôn phát triển, du lịch sinh thái phát triển, sản phẩm OCOP và làng nghề phát triển thì vùng quê nông thôn mới thật sự đáng sống, là nơi để người dân quay về” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phân tích.

NGÔ CHUẨN