Hình thành vùng chuyên canh nếp
Cùng với làng nghề bánh phồng Phú Mỹ nổi tiếng, hạt nếp Phú Tân được nhiều người biết đến suốt nửa thế kỷ nay. Từ trước năm 1975, cây nếp đã có mặt trên vùng đất này. Từ sau năm 1990, cùng với chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, cây nếp được chú trọng và từng bước khẳng định được hiệu quả kinh tế, diện tích sản xuất được mở rộng dần. Với lợi thế thổ nhưỡng phù hợp, vùng chuyên canh nếp Phú Tân dần hình thành. Nhờ sản xuất chuyên canh liên tục nên nếp đạt chất lượng cao và ổn định, không bị lẫn gạo như những vùng còn xen lúa. Nông dân có thời gian canh tác khá lâu, tích lũy nhiều kinh nghiệm trồng nếp nên rất nhạy bén trong tiếp thu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, từ sau năm 2003, diện tích sản xuất nếp ở Phú Tân đã đạt trên 50% diện tích gieo trồng toàn huyện và hiện nay là trên 90%. Hàng năm, địa phương này sản xuất khoảng 115.000ha nếp, tương đương 747.500 tấn nếp chưa bóc vỏ. Hai giống nếp được gieo trồng phổ biến là CK92 và CK2003. Nếp được gieo trồng tập trung từng vùng theo từng loại giống, không xen lẫn với nhau cũng như với lúa. Trong đó, giống nếp CK92 đã chính thức được Bộ NN&PTNT đổi tên thành giống “Nếp AG”, được coi là giống nếp chủ lực trong phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu nếp Phú Tân - An Giang.
Vùng nguyên liệu nếp Phú Tân
“Nếp AG” được đánh giá là giống nếp chất lượng cao, có độ dẻo và mùi thơm đặc trưng, độ thuần đạt từ khoảng 98-99%, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi sạ nếp giống mật độ 120kg/ha, áp dụng nghiệm thức phân 100-46-60 (lượng kg phân bón trên 1ha trong 3 đợt bón), nếp có thể đạt năng suất trên 7 tấn/ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân canh tác.
Cần liên kết bền vững
Nhiều năm nay, nông dân canh tác và một số DN chế biến, xuất khẩu đã hình thành mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nếp. Hàng năm, các sở, ngành cùng UBND huyện Phú Tân cũng thường xuyên mời gọi, hỗ trợ DN ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nếp. Tuy nhiên, số lượng DN liên kết không nhiều và việc liên kết chưa thật sự bền vững. Hiện nay, cùng với cung ứng nội địa, nếp An Giang chủ yếu xuất khẩu sang thị trường chính là Trung Quốc, sau đó là Campuchia, Indonesia và một số quốc gia khác theo đường chính ngạch và tiểu ngạch. Trong đó, phần lớn sản lượng nếp được thu gom từ thương lái.
Theo đánh giá của Sở Công thương, sản phẩm nếp của An Giang nói chung, huyện Phú Tân nói riêng đang được tiêu thụ tốt trong nước và có tiềm năng lớn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc nhận biết thương hiệu còn nhiều hạn chế. Những điểm khác biệt của nếp Phú Tân hay nếp An Giang chưa được nhấn mạnh nên chưa tạo điều kiện để chinh phục thị trường trong nước và quốc tế. Nhằm nâng cao hiệu quả cho những hộ nông dân tập trung sản xuất chuyên canh nếp, cần đầu tư xây dựng và phát triển thương hiệu nếp Phú Tân - An Giang, đồng thời tăng cường quảng bá thương hiệu tại thị trường trong nước và các quốc gia tiềm năng. Sở Công thương đang chủ trì xây dựng Kế hoạch “Xây dựng và phát triển thương hiệu nếp Phú Tân - An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tổng hợp ý kiến đóng góp của các sở, ngành, UBND huyện Phú Tân, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời để hoàn chỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện. Trong đó, giống nếp được chọn để xây dựng thương hiệu là giống lúa “Nếp AG” (còn gọi là giống nếp CK92).
Cùng với quyết tâm của tỉnh thì chính sự nhiệt tình tham gia của người dân, DN trong xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là yếu tố quan trọng giúp xây dựng thành công thương hiệu nếp Phú Tân - An Giang. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là đối tác quan trọng với UBND tỉnh trong phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới gắn với xây dựng “Cánh đồng lớn”.
Ông Nguyễn Võ Huy Hoàng (Phó Trưởng ban Phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp - Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, DN đang triển khai kế hoạch phát triển “Cánh đồng lớn” 10.000ha nếp ở huyện Phú Tân để xây dựng thương hiệu nếp Phú Tân - An Giang. “Tại huyện Phú Tân, đã có 10 hợp tác xã liên kết với Lộc Trời, đạt diện tích 2.900ha. Đây là những hạt nhân quan trọng trong chuỗi liên kết để tiến tới phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh nếp lớn, chất lượng ổn định, đạt các tiêu chuẩn và yêu cầu xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước” - ông Hoàng đánh giá.
Vụ đông xuân 2020-2021, toàn tỉnh An Giang xuống giống khoảng 230.000ha lúa, nếp, ước năng suất bình quân 7,3 tấn/ha, sản lượng khoảng 1,68 triệu tấn. Trong đó, địa phương có diện tích gieo trồng nếp nhiều nhất là huyện Phú Tân với diện tích 23.855ha, năng suất dự kiến 7,02 tấn/ha, sản lượng là 167.462 tấn.
|
NGÔ CHUẨN