Chị Lê Thị Đẹp đang nỗ lực xây dựng khô đạt chuẩn OCOP
Là phụ nữ thôn quê, sinh ra trong cảnh nghèo khó, cha mẹ chị Đẹp vất vả mưu sinh bằng nghề làm bánh mì và bán ở chợ. Do vậy, ngay từ nhỏ, chị Đẹp cùng người chị là Lê Thị Ngọc Tuyền đã chịu khó học hỏi kỹ thuật làm bánh, thực phẩm cất trữ. Nếu như người chị gái bén duyên với nghề làm nước mắm cá linh truyền thống thì chị Đẹp chọn cho mình nghề làm khô. Ban đầu, chị Đẹp thu mua từ những người chuyên kéo cá tại địa phương, sau đó về phân loại để dành làm khô, loại cá vụn sẽ mua về ủ thành nước mắm.
Chị Đẹp chia sẻ: “Thắm thoát vậy mà tôi gắn bó với công việc làm khô 4-5 năm. Ban đầu, tôi chỉ thu mua cá, làm sạch, phơi làm khô bán tại chợ, như: Khô cá lóc, cá chạch... Nhiều người mua ăn thử thấy ngon và hợp khẩu vị nên hỏi mua nhiều. Từ đó, tôi mạnh dạn thu mua cá nhiều hơn từ các hộ đánh bắt cá tự nhiên và một số cá nuôi trong và ngoài xã. Rồi lượng đặt hàng từ khách lẻ, mối lái càng nhiều, đến nay tôi đã mở rộng cơ sở làm khô gia đình, thuê mướn thêm 10-15 lao động, có ngày nhập nguyên liệu cả tấn cá tươi rồi phơi dần mới đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng”.
Mặc dù khá hài lòng khi xây dựng thương hiệu khô Đại Phát nhưng đến khi được sự tư vấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phú rằng, nếu cơ sở muốn vươn xa, nâng cao chất lượng sản phẩm và được thị trường khó tính chấp nhận thì chị Đẹp nên xây dựng sản phẩm khô đạt chuẩn OCOP.
“Tôi cố gắng làm để có cuộc sống ổn định, nào giờ chưa nghĩ đến chuyện làm sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Nay nhờ được sự hướng dẫn từ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, tôi đã có những cải tiến về chất lượng và bao bì để các sản phẩm khô trở nên bắt mắt, thu hút người tiêu dùng hơn. Đến nay, để kiểm soát đầu vào và có được nguồn cá sạch tại chỗ, tôi đã đầu tư nuôi cá 5.000m2 diện tích mặt nước. Vừa qua, tôi thả nuôi 130.000 con cá lóc trong mùng, sau đó tận dụng nguồn nước thải từ nuôi cá lóc, thả thêm ít cá sặc bên ngoài. Hai loại cá đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ cá bội thu” - chị Đẹp chia sẻ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phú Trần Thị Mân cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của chị Tuyền và chị Đẹp. Mặc dù kinh doanh tại thôn quê trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, việc chi tiêu của người dân ngày càng hạn chế, lượng người mua hàng không nhiều so với trước đây, nhưng chị Tuyền và chị Đẹp vẫn cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì và khẳng định thương hiệu. Với yêu cầu xây dựng sản phẩm khô đạt chuẩn OCOP, đòi hỏi phải đảm bảo cả quy trình làm sạch, nguồn gốc xuất xứ, chị Đẹp đã nỗ lực đầu tư nuôi cá tại chỗ.
Nhờ vậy, chị có thể kiểm soát được nguồn nước, thức ăn cho cá, thuốc điều trị bệnh trên cá trong mức độ cho phép. Từ đó, mới có thể đảm bảo nguồn gốc sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chúng tôi đang triển khai Quyết định 939/QĐ-TTg thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, cụ thể như tư vấn xây dựng thương hiệu, hỗ trợ vốn giúp chị Đẹp sớm hoàn thiện các tiêu chí của sản phẩm OCOP”.
“Cùng với đó, trong các lần hội họp, giới thiệu, trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp cấp huyện, tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phú luôn tích cực giới thiệu sản phẩm khô của chị Đẹp. Sản phẩm đã được nhiều người ưa chuộng và được đặt hàng làm quà tặng bạn bè, người thân. Hy vọng với sự nỗ lực hết mình của cô gái trẻ, sản phẩm khô sẽ sớm được công nhận đạt chuẩn OCOP, nhằm mang lại sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng” - chị Trần Thị Mân chia sẻ.
Để thực hiện đạt các yêu cầu, chị Đẹp đã gửi mẫu kiểm định hướng đến sản xuất đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuẩn quy định của OCOP, điều chỉnh thiết kế mẫu mã, màu sắc của bao bì theo hướng dẫn của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thoại Sơn, phấn đấu đến cuối năm 2022, các sản phẩm khô của chị Đẹp sẽ đạt chuẩn OCOP.
TRÚC PHA