Xây dựng văn hóa cho thế hệ “tương lai” của đất nước

18/07/2022 - 07:54

 - Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những người phát triển toàn diện, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân. Những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ được Đảng, nhà nước, các cấp, ngành, nhà trường và xã hội quan tâm.

Xây dựng văn hóa học đường giúp rèn luyện nhân cách và sự phát triển cho học sinh, sinh viên

Những năm qua, công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên (HSSV) biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường.

Ở một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức, thường xuyên; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn bất cập, thiếu hấp dẫn.

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 463/KH-UBND, ngày 8/7/2022 về triển khai thực hiện Chỉ thị 08/CT-TTg, ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, việc triển khai thực hiện kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc thực hiện văn hóa ứng xử học đường, xây dựng môi trường giáo dục để rèn luyện nhân cách, giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý tưởng, cách mạng, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Mặt khác, tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các cấp trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Theo đó, các cấp, ngành, địa phương chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; khuyến khích tinh thần tự đọc, tự học tạo cơ sở để người học cập nhật tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực, hoàn thiện bản thân. Kết hợp dạy chữ và dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức - trí - thể - mỹ; tôn trọng ý kiến HSSV; phát triển cho HSSV những phẩm chất yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

Các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các hình thức khẩu hiệu, báo chí, phương tiện truyền thông, internet phù hợp với thuần phong mỹ tục, đúng mục tiêu, sứ mệnh của nhà trường, của ngành và địa phương.

Đảm bảo công tác xây dựng văn hóa học đường là hoạt động thường xuyên, liên tục. Tuyên truyền, giáo dục, triển khai các giải pháp thiết thực để thực hiện hiệu quả, thực chất “5 điều Bác Hồ dạy” thiếu niên, nhi đồng. Giáo dục, bồi dưỡng cho HSSV về tình cảm, tình yêu quê hương đất nước; bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của cộng đồng các dân tộc; xây dựng, phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Thực hiện việc đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, Đội. Xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; giáo dục cho HSSV hình thành năng lực cảm thụ, đánh giá các giá trị văn hóa, truyền thông thông qua các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật; có ý thức tiếp thu, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Quan tâm, bồi dưỡng tâm hồn, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, HSSV thông qua các hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ, hoạt động thể dục - thể thao trong và ngoài nhà trường… Quan tâm xây dựng mối quan hệ con người với con người; con người với tự nhiên trong môi trường giáo dục; phát huy vai trò nêu gương của người thầy, bảo đảm mỗi thầy cô giáo là tấm gương về tự học, đổi mới, sáng tạo; đạo đức, lối sống, ý chí phấn đấu, khát vọng cống hiến. Xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo; bảo đảm mỗi ngày tới trường là một ngày vui... Các địa phương sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở, có cơ chế để HSSV được hưởng chế độ ưu tiên khi vui chơi, tham quan tại các công trình văn hóa, sử dụng khu vực thể thao, sân chơi, bãi tập công cộng.

Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của cha mẹ, ông bà trong giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu; triển khai có hiệu quả đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập tại thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” và đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”. Kiểm soát chặt chẽ các ấn phẩm văn hóa dành cho HSSV có yếu tố bạo lực, mang định kiến về giới, dân tộc, người khuyết tật, trái với truyền thống văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; kịp thời ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa học đường…

THU THẢO