Ảnh minh họa. (Nguồn: UNICEF)
“Không có chỗ cho lao động trẻ em trong xã hội của chúng ta” là khẳng định của Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder khi phát động Năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em 2021.
Song, báo cáo chung được ILO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố nhân Ngày thế giới phòng chống lao động 12/6 năm nay, lại phát đi một lời cảnh báo khẩn cấp: lần đầu tiên trong 2 thập niên qua, số lao động trẻ em trên toàn cầu tăng lên, và dịch COVID-19 có thể đẩy thêm hàng triệu trẻ em vào “vòng luẩn quẩn” phải lao động mưu sinh vì đói nghèo.
Theo báo cáo được công bố 4 năm một lần, số lao động trẻ em vào đầu năm 2020 là hơn 160 triệu trẻ, tăng tới 8,4 triệu so với năm 2016. Con số này bắt đầu tăng từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, đánh dấu sự đảo ngược đáng kể của xu hướng giảm trong giai đoạn 2000-2016.
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh, gần 1/10 số trẻ em trên thế giới trở thành lao động kiếm sống. Trẻ em ở khu vực miền Nam Sahara là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới khi trong 4 năm qua, đội ngũ lao động trẻ em ở khu vực này tăng thêm 16,6 triệu.
Báo cáo chỉ ra sự gia tăng đáng kể lao động trẻ em trong độ tuổi từ 5-11, trong khi tỷ lệ các em ở độ tuổi 5-17 phải làm những công việc tổn hại sức khỏe, tinh thần và an toàn cũng tăng thêm 6,5 triệu lên 79 triệu.
Trong 20 năm qua, thế giới đã đạt được nhiều tiến triển trong việc xóa bỏ lao động trẻ em. Gần 100 triệu trẻ em đã được giải phóng, đưa số lao động trẻ em giảm từ 246 triệu năm 2000 xuống còn 152 triệu năm 2016.
Tuy nhiên, khoảng 1/2 trong số đó, tức 72,5 triệu em, chịu các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, như làm việc trong môi trường độc hại, lao động cưỡng bức, các hoạt động bất hợp pháp như ma túy và mại dâm, hay tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang.
Tính theo khu vực, gần một nửa số lao động trẻ em ở châu Phi (72 triệu trẻ), tiếp theo là châu Á và Thái Bình Dương (62 triệu trẻ). Lao động trẻ em cũng không giới hạn ở các nước nghèo.
Có khoảng 84 triệu lao động trẻ em sống ở các nước có thu nhập trung bình, và 2 triệu lao động trẻ em ở các nước thu nhập cao. Tỷ lệ lao động trẻ em ở khu vực nông thôn (14%) cao gần gấp ba lần khu vực thành thị (5%).
Bởi vậy, Liên hợp quốc đề ra mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt tình trạng lao động trẻ em vào năm 2025, và năm 2021, Năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em, được xem là thời điểm mang tính bản lề.
Đại dịch COVID-19 tác động nặng nề tới đời sống xã hội, đẩy hàng triệu gia đình vào cảnh nghèo khó đang trở thành rào cản lớn nhất đe dọa những tiến bộ mong manh đạt được ở khu vực châu Phi cận Sahara, châu Á-Thái Bình Dương, khu vực Mỹ Latinh và Caribe. ILO và UNICEF cảnh báo rằng thêm 9 triệu trẻ em có nguy cơ phải lao động kiếm sống vào cuối năm 2022 do ảnh hưởng của đại dịch, và con số này có thể tăng lên 46 triệu nếu các em không được tiếp cận với các bảo trợ xã hội quan trọng.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder khẳng định: “những ước tính mới này là một sự cảnh tỉnh. Chúng ta không thể đứng yên chứng kiến một thế hệ trẻ em mới đương đầu với rủi ro.”
Tính đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,7 triệu người, khiến hàng trăm nghìn trẻ em mất cha mẹ và buộc phải trở thành người kiếm tiền chính trong gia đình. Em Angelina, 14 tuổi ở Uganda cho biết: “Gia đình em không có tiền để mua thức ăn, đường, muối thậm chí là nước. Có nhiều ngày gia đình em chỉ sống nhờ uống nước. Do đó, em phải ra ngoài tìm việc làm.”
Gia đình 5 người của em Gopal Magar cũng phải chật vật để duy trì cuộc sống khi thủ đô Kathmandu của Nepal phải phong tỏa hồi tháng 3/2020 do dịch bùng phát. Từ lớp học, giờ đây, Gopal, 14 tuổi, phải làm việc tại một công trường xây dựng từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều. Xúc cát, xếp gạch và trộn bê tông trong 12 giờ, Gopal được trả chưa đến 10 USD. Gopal không biết bao giờ mình mới được đi học trở lại, và chính em cũng cảm thấy “không còn hứng thú với việc học do gia đình gặp quá nhiều vấn đề.” Câu chuyện của Gopal không phải là xa lạ tại các quốc gia nghèo nhất thế giới trong đại dịch.
Vào thời kỳ cao điểm dịch năm 2020, các trường học đóng cửa đã ảnh hưởng đến hơn 1,6 tỷ trẻ em tại hơn 130 quốc gia, và một năm sau vẫn có khoảng 800 triệu em chưa thể đến trường.
Ngay cả khi trường học đã mở lại, nhiều gia đình nghèo đã không còn khả năng chi trả học phí và một số em có thể phải bỏ học vĩnh viễn. Em Kiran, 15 tuổi ở Nepal chia sẻ, “em vẫn phải tiếp tục làm việc. Nếu em quay trở lại trường học, gia đình em sẽ lún sâu vào cảnh nợ nần.”
Sống trong cảnh nghèo đói, các bậc phụ huynh không được tiếp cận với công việc tử tế, an sinh xã hội yếu kém, những truyền thống và phong tục cổ hủ là những lý do chính khiến trẻ em phải làm việc, song chính lao động trẻ em lại tạo ra một vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Trẻ em phải làm việc để tồn tại và giúp đỡ gia đình sẽ không có thời gian học hành, trong khi giáo dục lại là chìa khóa để thoát nghèo. Điều này không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong dài hạn với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em, mà còn có nguy cơ đe dọa đến sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.
Để đảo ngược xu hướng gia tăng lao động trẻ em do đại dịch, ILO và UNICEF kêu gọi thực hiện bảo trợ xã hội đầy đủ, bao gồm các phúc lợi phổ cập cho trẻ em, tăng cường chi tiêu cho giáo dục chất lượng và đưa tất cả trẻ em quay trở lại trường học, bao gồm cả những em bị buộc nghỉ học trước đại dịch, đầu tư vào hệ thống bảo vệ trẻ em, các dịch vụ công nông thôn và sinh kế.
Phục hồi sau đại dịch, các nước cần thực hiện và nhân rộng các khoản trợ cấp cho trẻ em để bảo vệ các quyền trẻ em ngay lập tức và lâu dài, giảm áp lực làm việc và tạo điều kiện cho các em trở lại trường học bằng cách giúp đỡ những gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của lao động trẻ em, Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore kêu gọi các chính phủ và các ngân hàng phát triển quốc tế ưu tiên đầu tư vào các chương trình có thể đưa trẻ em ra khỏi lực lượng lao động và trở lại trường học, cùng với việc đưa ra các chương trình bảo trợ xã hội tốt hơn.
Theo Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder, “bảo trợ xã hội cho phép các gia đình đưa con em tới trường ngay cả khi kinh tế gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư vào phát triển nông thôn và nông nghiệp ổn định cũng rất cần thiết.”
Lao động trẻ em và các hình thức bóc lột khác có thể được ngăn ngừa thông qua những phương pháp tiếp cận tổng hợp nhằm tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em, đồng thời giải quyết tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng, cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục, huy động sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc tôn trọng các quyền của trẻ em.
Trong năm 2021 này, Liên hợp quốcmuốn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xóa bỏ lao động trẻ em và chia sẻ những dự án thành công, bao gồm sáng kiến giảm đói nghèo, giáo dục, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và thực thi những yêu cầu về độ tuổi lao động tối thiểu cùng nhiều biện pháp khác.
Một trong số đó có thể kể đến Dự án “Clear Cotton”, được tiến hành từ năm 2018 đến năm 2022, với mục tiêu các quốc gia đối tác gồm Burkina Faso, Mali, Pakistan và Peru tạo ra ngành công nghiệp bông bền vững mà không có lao động trẻ em. Dự án gồm 2 chiến lược, thứ nhất là chỉnh sửa, củng cố và thực thi các chính sách, khuôn khổ pháp lý và quy định chống lao động trẻ em phù hợp với tiêu chuẩn của ILO; thứ hai là hỗ trợ chính quyền địa phương và các nhà cung cấp dịch vụ công, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, tạo ra các chương trình việc làm cho thanh niên và phụ nữ.
Trước tình trạng sử dụng lao động trẻ em gia tăng trong những năm qua tại châu Phi, Liên hợp quốc cũng đã khởi động Chương trình “đẩy nhanh hành động xóa bỏ lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng châu Phi” từ năm 2018, nhằm giải quyết các vấn đề dẫn đến tình trạng lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng ca cao, bông, vàng và chè, cải thiện các chính sách và khuôn khổ pháp lý về lao động trẻ em và thực thi các sửa đổi để ngừng lao động trẻ em.
Nhìn chung, năm 2021 sẽ là năm bản lề và các hành động của chúng ta sẽ quyết định liệu thế giới có đạt được mục tiêu chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 hay không.
Mỗi cá nhân cũng có thể tạo ra sự khác biệt khi tiêu dùng có trách nhiệm, gây quỹ và hành động, thúc đẩy phong trào chống lao động trẻ em trên toàn thế giới. Theo lời ông Guy Ryder, “chúng ta đang ở thời điểm quan trọng và đây là lúc để làm mới cam kết và nỗ lực nhằm xoay chuyển tình thế, phá vỡ chu kỳ đói nghèo và lao động trẻ em.”
Đã đến lúc tất cả các bên liên quan tăng gấp đôi nỗ lực tập thể để đảm bảo không có trẻ em nào bị cướp đi tuổi thơ, để các em có cơ hội bước ra khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo và có một tương lai phát triển bền vững.
Theo PHƯƠNG THỊNH (TTXVN/Vietnam+)