Xóm ấu

04/02/2023 - 11:42

 - Nếu có dịp đi ngang Quốc lộ 80, đoạn thuộc ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thành, huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), khách xa gần sẽ ấn tượng với những quầy ấu dọc 2 bên đường. Dần dần, họ gọi đây là đường ấu, hoặc xóm ấu.

Chục năm trước, xóm ấu được hình thành từ mấy kệ hàng đơn sơ, xập xệ ven đường. Giờ, kệ hàng vẫn đơn sơ, nhưng được trang bị thêm bảng hiệu cách điệu thật to. Nhìn từ xa, mấy “củ ấu” khổng lồ đã níu mắt, níu chân người đi đường.

“Thương nhau củ ấu cũng tròn”. Ở miền Tây, củ ấu chưa bao giờ tròn. Chúng cứ vểnh lên, như cặp sừng trâu, vậy mà mang lại cho người dân sinh kế ổn định.

Món ăn dân dã này có giá khá “mềm”. Ấu tươi giá chỉ khoảng 15.000 đồng/kg. Ấu luộc chín thì cộng thêm vài ngàn đồng tiền công củi lửa.

Muốn ấu thêm bùi, thêm ngọt, lúc luộc, người ta thường thêm vào chút muối. Canh lửa khoảng 15-20 phút, khi ấu chuyển hẳn sang màu đen thì vớt ra.

Xóm ấu sống nương nhờ quốc lộ đông đúc xe qua lại. Khách đi đường bất chợt thèm hương vị nóng bùi của củ ấu, tấp vô mua. Người bán đã vào bọc ny-lon sẵn từng ký, hơi ấm còn vấn vít trong bọc.

Phục vụ “thượng đế” hết mức, người bán còn tỉ mẩn lột vỏ ấu. Những thao tác lặp đi lặp lại mỗi ngày, khiến màu đen của ấu bám vào bàn tay. Gắn bó với ấu, ấu cũng gắn bó lại với họ bằng chi chít dấu vết…  

Để rồi, sản phẩm mới được bày bán: Củ ấu tươi lột sẵn. Bình quân, hơn 2kg ấu mới cho ra 1kg ấu lột sẵn, giá từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Mua về, đem luộc với nước dừa, sẽ thành món ăn lạ miệng. Vẫn giữ được độ bùi của ấu, mà lại thêm vị ngọt thanh của nước dừa hòa quyện.

Không dừng lại ở món ăn đơn giản, người dân xứ ấu này còn chế biến thêm sữa ấu, chỉ 10.000 đồng/chai. Chúng không quá béo ngọt như sữa hạt sen, mà thanh tao đầu lưỡi, giải tỏa cơn khát ban trưa.

Xóm ấu giờ không phát triển rầm rộ, mà duy trì nét riêng có, với những xề ấu đen dọc đoạn đường ngắn. Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, họ nhớ những tháng ngày cả vùng trồng ấu, bán ấu, sống dựa vào ấu.

 Giờ, họ chỉ lấy nguồn từ nơi khác đem về bán, duy trì “thương hiệu” của xóm ấu. Giống như câu chuyện của bà Nguyễn Thị Trúc Lam (sinh năm 1980), chịu nắng chịu mưa, mỗi ngày bán được vài chục kg ấu, lấy vị ngọt của ấu làm vị ngọt đời mình…

KHÁNH ĐĂNG