Xứ cù lao nỗ lực giảm nghèo

08/12/2023 - 07:12

 - Chất lượng giảm nghèo ở huyện cù lao Phú Tân từng bước được nâng lên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo nền tảng xã hội ổn định để phát triển kinh tế. Trong đó, nhiều hộ nghèo đã phát huy ý chí, tự nỗ lực vươn lên.

Đa dạng hóa sinh kế

Hộ ông Cao Văn Sang (ấp Hòa Lợi, xã Phú Hiệp) là một trong 19 hộ vừa được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Tân trao giống bò thịt để chăn nuôi cải thiện kinh tế. Nguồn hỗ trợ này từ Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thuộc diện hộ cận nghèo, ông Sang lâu nay chỉ làm thuê, vợ mua bán nhỏ để trang trải cuộc sống. “Tôi đã học qua lớp kỹ thuật nuôi bò, đến nay được hỗ trợ 2 con giống, quả thật mừng lắm. Tôi còn được phân công là tổ trưởng cộng đồng trong nhóm hộ nuôi bò. Ngoài cố gắng chăn nuôi, hàng tháng tôi sẽ đến thăm, trao đổi, động viên các hộ nuôi khác để giúp nhau làm ăn có hiệu quả, nhanh chóng thoát nghèo. Đồng lời từ việc nuôi bò sẽ tích lũy để tiếp tục làm kinh tế” - ông Sang chia sẻ.

Cách đây 3 tháng, hộ của chị Trần Thị Hồng Gấm (diện cận nghèo ở xã Bình Thạnh Đông) được tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê và hỗ trợ 25 triệu đồng mua con giống từ Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2023. Buổi sáng, chị Gấm buôn bán nhỏ, thời gian còn lại trong ngày đi cắt cỏ về cho dê ăn. Từ 8 con giống ban đầu, đến nay đàn dê tăng lên 11 con, dự kiến nửa năm sau sẽ xuất chuồng bán lứa đầu tiên, có thêm thu nhập cho gia đình. Ngụ cùng xã, ông Lê Hữu Nghĩa cho biết, nhờ sự định hướng, giúp đỡ của địa phương, hộ của ông được giới thiệu vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Tân để chăn nuôi bò. Bò nuôi từ 8 tháng có thể bán ra, ngoài trang trải cho gia đình, ông tiết kiệm tích lũy, cuộc sống dần ổn định.

Trao giống bò thịt cho các hộ chăn nuôi từ Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo

Thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, đầu năm đến nay, huyện Phú Tân đã hỗ trợ 16 mô hình tại các xã, thị trấn, với 171 hộ thụ hưởng. “Huyện xác định dự án là biện pháp căn cơ nhất để giảm nghèo, tập trung giải ngân trong năm 2023. Với 16 dự án (chăn nuôi dê và bò), tổng kinh phí 9,9 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách 4,3 tỷ đồng, còn lại của hộ dân đối ứng. Các hộ dân được hỗ trợ dự án có nhận thức cao và ý chí quyết tâm, cam kết sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất” - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Tân Võ Thanh Tùng thông tin.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Theo quy định xét chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị định 07/2001/NĐ-CP của Chính phủ), cuối năm 2021, toàn huyện Phú Tân có 2.254 hộ nghèo, với 6.901 nhân khẩu, chiếm 4,24% so tổng số hộ. Đến cuối năm 2022, số hộ nghèo đa chiều còn 1.856 hộ, chiếm 3,41% (giảm 0,75%). Dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 0,5% so năm 2022. Ước thực hiện đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,7%, tương ứng 904 hộ, vượt 0,42% so kế hoạch.

Ông Võ Thanh Tùng cho biết, trong quá trình thực hiện, chính quyền các cấp đã có nhiều giải pháp phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế ở địa phương. Đồng thời, gắn chương trình giảm nghèo với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị…

Công tác giảm nghèo trong thời gian qua đã huy động được nhiều nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình dự án, trong đó cơ bản là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn Quỹ Vì người nghèo trong thời gian qua đã đóng góp nguồn lực quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện. Huyện ủy, UBND huyện Phú Tân xác định, công tác giảm nghèo phải thực hiện trên tinh thần phát huy nội lực là chính, với phương châm người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và được cộng đồng giúp đỡ. Bên cạnh đó, xác định đối tượng tập trung để giảm nghèo là hộ gia đình có lao động, chí thú làm ăn, có phương án sản xuất và phát huy nguồn vốn hỗ trợ, ưu tiên nguồn lực đầu tư giảm nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao…

Nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, thời gian tới, huyện Phú Tân triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ xã hội cơ bản ở địa phương; lồng ghép các nội dung chương trình giảm nghèo; huy động tốt nguồn lực xã hội; đa dạng hóa hình thức tạo sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn.

MỸ HẠNH