Xứ ớt Phú Hữu

02/05/2020 - 15:05

 - Vào cao điểm thu hoạch ớt, xã Phú Hữu (An Phú, An Giang) ngập tràn sắc đỏ, từ ngoài đồng đến những con đường quê. Người dân vùng biên còn trồng rất nhiều bắp, bí đao, đậu phộng, nhưng màu đỏ của ớt vẫn là nổi bật nhất....

Xứ ớt Phú Hữu

Ở xã Phú Hữu, nông dân trồng khoảng 22,4ha ớt. Hiện nay, đã vào cuối vụ thu hoạch, nên bà con tập trung “mót” sản lượng còn lại. Cái nắng gay gắt, hầm hập của vùng biên giới ngày đầu tháng 5 rất khó chịu. Vì vậy, khi hái ớt, người dân phải vừa mặc áo khoác, đội nón, đeo khẩu trang che kín cơ thể, vừa phải trang bị thêm một cây dù to. Hái ớt đến đâu, họ di chuyển cây dù theo tới đó. Tuy nhiên, không khí vẫn đục quánh hơi nóng, nếu không quen có thể bị say nắng.

Xứ ớt Phú Hữu

Chị Lê Thị Thu (46 tuổi) cho biết, mỗi ngày chị có thể hái được 30kg ớt. Trong 1 giờ đồng hồ, từ 3 đến 5kg ớt được thu hoạch. Người làm thuê như chị được trả công 4.000 đồng/kg. Như vậy, cả ngày phơi nắng trên ruộng ớt, chị được 120.000 đồng. “Ớt giờ cuối vụ, trái nhỏ hoặc không còn trái nhiều nữa. Khoảng 2 tuần nữa là dứt điểm luôn. Lúc đó, tôi lại chuyển sang công việc khác, ai thuê gì làm nấy” – chị chia sẻ.

Xứ ớt Phú Hữu

Xứ ớt Phú Hữu

Người dân Phú Hữu trồng nhiều loại ớt khác nhau, nhưng phổ biến vẫn là ớt Chánh Phong 131, vì cho trái chất lượng cao, thị trường trong và ngoài nước đều ưa chuộng. Từ khi gieo hạt đến lúc hái là 90 ngày. Tuy nhiên, ớt hay mắc bệnh thán thư còn gọi bệnh đốm trái, nổ trái.

Xứ ớt Phú Hữu

Trồng nông sản tạo ra nguồn thu nhập chính cho người dân Phú Hữu. Cũng từ đây, nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn được tạo việc làm, có cuộc sống tương đối ổn định. Công việc không cần tay nghề kỹ thuật. Nam hay nữ đều có thể làm tốt, chỉ cần khỏe mạnh, chịu khó.

Xứ ớt Phú Hữu

Thu nhập được tính theo năng suất lao động, nên người làm thuê phải tranh thủ từng chút thời gian. Chỉ khi nào quá mệt, họ mới ngồi nghỉ một chút, ăn cơm, uống nước, rồi tiếp tục công việc. Bữa ăn của họ rất đơn giản, được chuẩn bị sẵn từ nhà, đựng trong cà-mên. Thói quen của người miền Tây là ăn cơm cùng với xoài, chuối, dưa hấu... cho bớt khô khan.

Xứ ớt Phú Hữu

Ớt được hái ngoài ruộng vào sẽ được chọn lựa lại những trái đẹp, không bị hư. Mỗi giờ lựa ớt, nhân công được trả 15.000 đến 20.000 đồng. Chị Lê Thị Nương (41 tuổi) trồng 6 công ớt. Đến mùa thu hoạch, chị thuê hơn 10 nhân công. Năm nào ớt cho năng suất cao, có thể thu hoạch 3-5 tấn/công. Mùa này, ớt đẹp được mua với giá từ 12.000 đến 14.000 đồng/kg. Để kịp giao cho thương lái, chị cũng ngồi lựa ớt, bàn tay thoăn thoắt chuyên nghiệp.

Xứ ớt Phú Hữu

Trước đây, bà Nguyễn Thị Thủy (57 tuổi, đội nón lá) được thuê hái ớt trên đồng. Mấy năm nay, sức khỏe giảm, nên bà xin làm ở khâu lựa ớt. “Mỗi ngày, tôi làm được 6-7 tiếng đồng hồ, tùy theo số lượng ớt phải lựa. Buổi trưa, ớt về tới, do đó giờ làm của tôi bắt đầu từ trưa đến chiều tối. Ngồi suốt vừa mệt, vừa nhức mỏi, nhưng dù sao cũng vẫn tốt hơn làm ngoài nắng” – bà cười.

Xứ ớt Phú Hữu

Những trái ớt tươi không đạt chuẩn sẽ được phơi để làm ớt khô. Chị Trần Thị Loan (43 tuổi) đã 10 năm làm nghề thu mua ớt khô. Cao điểm, có ngày chị thu mua 4-5 tấn ớt. Để giảm bớt chi phí hao hụt, chị tự mình ngồi lựa ớt bất cứ lúc nào rảnh. Chị kể, người nào mới lựa, dễ bị sặc dữ lắm, vì ớt khô có mùi cay nồng, phải đeo khẩu trang. Riết từ từ quen, cởi khẩu trang ra cũng thấy bình thường.

Xứ ớt Phú Hữu

Khoảng 3,7kg đến 4kg ớt tươi sẽ cho ra 1kg ớt khô. Giá ớt khô tùy theo chất lượng, được bán từ 34.000 đến hơn 70.000 đồng/kg.

Xứ ớt Phú Hữu

Ớt tươi phải được phơi 7 ngày liên tục trong nắng đẹp, hoặc 10 ngày nếu thời tiết không tốt. Quá trình phơi, phải cào cho mỏng, xốc trở liên tục để ớt khô đều, không bị mốc.

Nhân công được thuê làm khâu này với giá 200.000 đồng/ngày đối với nữ, 250.000 đồng đối với nam (vì nam phải mang vác, vận chuyển đồ nặng). Sau đó, ớt được gom vào trong bao, chờ được lặt cuống (giá thuê nhân công 1.000 đồng/kg), phân loại theo chất lượng. Xong tất cả các khâu, thì chỉ chờ giao bán trong và ngoài tỉnh hoặc xuất khẩu.

Xứ ớt Phú Hữu

Khắp xã Phú Hữu, rất dễ bắt gặp hình ảnh ớt được phơi trên đường, trong sân nhà, hoặc bất cứ nơi nào bằng phẳng, trống trải. Sắc đỏ của ớt trở thành điểm nhấn thú vị của địa phương đối với khách vãng lai.

GIA KHÁNH