Từ khó khăn khách quan
Chia sẻ về những khó khăn mà ngành hàng gặp phải, đại diện DN xuất khẩu cá tra tại An Giang cho biết, cái khó hiện nay là kim ngạch xuất khẩu lẫn giá bán đều giảm sâu. Giá xuất sản phẩm phi-lê vào thị trường Hoa Kỳ trong 9 tháng qua giảm mạnh, giá bình quân chỉ còn 2,92 USD/kg (giảm 44% so cùng kỳ năm 2022). Còn thị trường Trung Quốc cũng từ giá xuất ở mức 2,09 - 2,1 USD/kg. Đây là 2 thị trường chính, tiêu thụ lượng lớn cá tra của các DN trong nước.
Cá tra đang được các thương lái tiêu thụ tại thị trường Campuchia và các tỉnh Tây nguyên
Phân tích về nguyên nhân giảm giá, các thương nhân cho biết, ở Hoa Kỳ ngay từ đầu năm, lượng hàng tồn kho tại các đầu mối nhập khẩu rất lớn; thêm vào đó, tình hình suy thoái kinh tế (do bị tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine) đã làm cho nền kinh tế các quốc gia phát triển trở nên khó khăn.
Từ tháng 3/2022 - 7/2023, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã tăng lãi suất 11 lần. Gần đây nhất, ngày 26/7/2023, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25%/năm, nâng lãi suất chính sách tăng lên 5,25 - 5,5%/năm, cao nhất trong vòng 22 năm qua. Việc Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đã tác động mạnh đến kinh tế Hoa Kỳ và các quốc gia. Nhiều DN phá sản, người lao động bị mất việc, người dân giảm chi tiêu, mặt hàng cá tra tiêu thụ chậm.
Tại Trung Quốc, sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế nước này đã bị tác động mạnh bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) giảm mạnh. Cụ thể, đối với thị trường Hoa Kỳ giảm 23,1%; EU giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán giảm sâu, trong khi chi phí hoạt động của DN tăng, trong đó có chi phí logistics, lưu hàng tồn kho, chi phí tín dụng, lương công nhân… làm cho các DN thêm khó khăn.
Thị trường gặp khó, là cơ hội để doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc
DN gặp khó, ngư dân cũng không hơn. “Đối với ngành cá tra, chi phí thức ăn chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất. Sau dịch COVID-19, kinh tế thế giới suy thoái, xuất khẩu cá tra suy giảm, giá thức ăn lại tăng và neo ở mức cao. Người nuôi không có lãi, khó nhất là phải mua thức ăn bằng tiền mặt…” - bà Trần Thị Lan (xã Long Giang, huyện Chợ Mới) chia sẻ.
Đến chiến lược dài hạn
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) Doãn Tới khẳng định, khó khăn trong xuất khẩu cá tra hiện nay chỉ mang tính tạm thời. Trong hơn 20 năm xuất khẩu, Việt Nam đã xuất sản phẩm phi-lê sang 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cá tra được người tiêu dùng các nước chấp nhận, bởi vừa ngon lại vừa rẻ.
“Có được điều đó là do DN, ngư dân biết phát huy lợi thế của 2 con sông Tiền, sông Hậu, cộng vào đó là áp dụng khoa học - công nghệ vào khâu chế biến sản phẩm, mạnh dạn thay thế các thiết bị công nghệ cũ (lỗi thời) bằng thiết bị công nghệ mới (hiện đại). Từ đó, năng suất tăng lên gấp nhiều lần, tạo ra giá trị tăng thêm rất lớn, dẫn đến sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường…” - ông Doãn Tới phân tích.
Nhiều nhà máy vẫn duy trì sản xuất để công nhân ổn định đời sống
Ông Arno Willemink (Giám đốc vận hành Công ty De Heus Việt Nam) cho rằng, giá cá tra Việt Nam đang ở mức hợp lý. Sản phẩm đang dần được thay thế cho các loại cá thịt trắng (khai thác tự nhiên từ các vùng biển). Đây là xu hướng tiêu dùng xanh, hướng đến bảo vệ môi trường thiên nhiên, sinh thái.
Hiện, các DN trong ngành thực hiện chiến lược dài hạn để sản phẩm cá tra xuất ra thế giới (lẫn bán trong nước) vừa ngon, vừa có giá tốt; chất lượng đảm bảo, tiện ích, thân thiện môi trường. Chiến lược đó là đẩy mạnh tái cấu trúc DN lẫn sản phẩm xuất khẩu; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu lẫn thị trường trong nước; đầu tư sâu cho các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng như dùng da cá để chế biến collagen…
Nếu Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong xuất khẩu thịt heo, Brazil có thịt bò, Hoa Kỳ về thịt gà thì Việt Nam là quốc gia đi đầu trong xuất khẩu cá tra. Nhận thức được sự thay đổi trong xu thế tiêu dùng (chuyển từ ăn thịt đỏ sang ăn các loài cá thịt trắng), các DN Việt Nam đã tận dụng cơ hội này, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thế giới để phục vụ tiêu dùng.
“Ngoài mở rộng thị trường tiêu thụ, ngành nông nghiệp định hướng cho DN tập trung vào khâu con giống, nhằm giảm tỷ lệ hao hụt. Khuyến khích DN, ngư dân sử dụng vaccine để tiêm phòng cho cá. Đẩy mạnh quy hoạch lại vùng nuôi, sản lượng xuất khẩu phù hợp với độ mở của thị trường…” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm phân tích.
Khó khăn của ngành hàng cá tra chỉ mang tính tạm thời, bởi các nhà khoa học đã chứng minh trong thịt cá tra rất giàu hàm lượng omega-3. Đây là chất rất quan trọng giúp xây dựng và duy trì cơ thể khỏe mạnh. Omega-3 là nguồn cung cấp năng lượng cho tim, não; đảm bảo hoạt động của mạch máu và hệ miễn dịch diễn ra bình thường, vì vậy ở những nước phát triển, người tiêu dùng luôn tìm đến sản phẩm cá tra. Đây là lợi thế cần được phát huy trong thời gian tới.
“Khi nào người tiêu dùng thế giới không còn ăn cá, lúc đó ngành cá tra mới khó khăn thực sự. Hiện nay, khó khăn chỉ mang tính tạm thời. Tôi tin rằng, xuất khẩu cá tra sẽ sớm phục hồi trong thời gian sớm nhất” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) Doãn Tới chia sẻ.
|
MINH HIỂN