Xuất khẩu lao động sau giai đoạn dịch bệnh

15/02/2022 - 08:59

 - Thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã trải qua 1 năm khó khăn cả ở nguồn cung và nguồn cầu do dịch bệnh COVID-19. Những điều kiện bất khả kháng từ đối tác tiếp nhận lao động xuất khẩu (chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc) đã làm giảm đáng kể số lao động trong tỉnh do trễ hẹn xuất cảnh. Người lao động (NLĐ) có nhu cầu tìm hiểu đi làm việc ở nước ngoài vì vậy có phần e ngại so với trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Tư vấn xuất khẩu lao động cho quân nhân xuất ngũ

Từng bước phục hồi hoạt động XKLĐ phù hợp với tình hình và trạng thái “bình thường mới”, các địa phương và đơn vị phối hợp liên quan đều thận trọng, có sự chủ động và chuẩn bị đủ điều kiện, năng lực sau giai đoạn khó khăn. Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính và Truyền thông quốc tế (MIF) hiện tập trung chủ yếu đưa lao động đi làm việc tại thị trường Nhật Bản. Bên cạnh chú trọng chất lượng lao động, công ty còn đẩy mạnh tìm kiếm thêm đối tác để đón đầu những cơ hội về việc làm ở nước ngoài. Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nhân lực MIF Ngô Tấn Trung thông tin, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động tư vấn, lớp đào tạo cho ứng viên XKLĐ vẫn duy trì bằng hình thức trực tuyến. Dự kiến tháng 4-2022, sẽ có khoảng 20 lao động được xuất cảnh đi làm việc.

Phải chờ đợi thời gian xuất cảnh lâu hơn mong đợi, NLĐ rơi vào thế bị động, nhưng nhiều người quả quyết vẫn tiếp tục chờ đợi, không thể bỏ ngang công sức học tập và chi phí thời gian qua. Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đặt chỉ tiêu toàn tỉnh XKLĐ 200 người, chưa phân bổ số lượng cụ thể cho các huyện. Trên thực tế, các địa phương đều nỗ lực để phấn đấu đạt cao hơn để số lượng XKLĐ đến cuối năm 2025 đạt theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ các huyện đề ra. Mặt khác, ảnh hưởng tình hình dịch bệnh là khó khăn tạm thời, địa phương và cơ sở đào tạo đều tuyên truyền, động viên để NLĐ hiểu được lợi ích tích cực khi tham gia làm việc ở nước ngoài. Đây vẫn là hướng đi được khuyến khích nhằm giúp người dân trong độ tuổi lao động tìm hiểu, tham gia để góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, tăng thu nhập, giảm nghèo.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thoại Sơn Trang Thanh Hải cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đặt chỉ tiêu hàng năm có 100 người đi XKLĐ. Với chỉ tiêu này, hàng năm, Phòng LĐ-TB&XH đều thực hiện đạt và vượt. Riêng năm 2021, do tình hình dịch bệnh, nhất là lệ thuộc điều kiện cho phép phía Nhật Bản nên chỉ có 25 lao động đi làm việc theo hợp đồng. Năm nay, huyện vẫn giữ nguyên chỉ tiêu 100 người đi XKLĐ, nếu điều kiện thuận lợi sẽ nỗ lực phấn đấu đạt cao hơn để bù lại số lượng của năm vừa qua. Đồng thời, địa phương tiếp tục duy trì các giải pháp hiệu quả từ trước đến nay để thu hút lao động tham gia làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, nhất là công tác tuyên truyền, quan tâm các xã vùng sâu, địa phương đã có nhiều người từng đi XKLĐ…

Hàng năm, huyện Chợ Mới có trên 9.000 người bước vào độ tuổi lao động. Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Chợ Mới Tôn Thành Tâm, công tác XKLĐ trong các năm qua đã có nhiều chuyển biển khá. Từ chỗ NLĐ ít hiểu biết về vấn đề thị trường lao động ngoài nước và XKLĐ, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về XKLĐ, đã giúp cho người dân từng bước có ý thức và đăng ký tham gia XKLĐ ngày càng tăng. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) đều có người tham gia XKLĐ, trong đó có một số xã làm rất tốt công tác này.

Huyện Chợ Mới còn chủ động tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ các địa phương tổ chức công tác XKLĐ hiệu quả ở tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, chú trọng quan tâm về cách tuyên truyền, đào tạo nâng cao chất lượng lao động, chính sách hỗ trợ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, có những đề xuất, kiến nghị áp dụng phù hợp ở địa phương. Về phía NLĐ, địa phương đánh giá khi đi làm việc ở nước ngoài, đa số họ rất chịu khó lao động và tích góp giúp gia đình cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Có nhiều trường hợp lao động hoàn thành hợp đồng, sau khi trở về nước tiếp tục đăng ký đi lần 2.

Cùng với nỗ lực của địa phương, UBND tỉnh đã tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, như: Rút ngắn thời gian làm hồ sơ, thực hiện cơ chế cho vay thông qua chuyển khoản nhằm hạn chế sử dụng vốn sai mục đích, nâng mức cho vay để tạo điều kiện cho lao động đi một số nước có thu nhập cao. Trung tâm Giới thiệu việc làm được tỉnh giao chức năng là cầu nối giữa NLĐ và các doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với chính quỵền địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tư vấn, thực hiện quy trình tuyển lao động, tạo nguồn cung ứng lao động ngày càng chặt chẽ và có chất lượng hơn.

Mới đây, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) đã thảo luận với UBND tỉnh An Giang về việc tìm kiếm nguồn lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp theo mùa vụ (từ 3-5 tháng). Phần lớn NLĐ có nhu cầu làm việc với thời gian lâu hơn để được vay vốn, có tích lũy từ thu nhập cao hơn. Những địa phương định hướng giới thiệu lao động tham gia làm việc kiến nghị tỉnh làm đầu mối thỏa thuận với đối tác nhằm đạt được nguyện vọng và chính sách hợp lý nhất cho NLĐ. Thêm tín hiệu lạc quan để kỳ vọng XKLĐ sớm phục hồi là mặc dù trong thời gian diễn ra dịch bệnh, đặc biệt ở các nước đang có nhu cầu tuyển dụng lao động của Việt Nam, việc phỏng vấn, đặt hàng đào tạo lao động vẫn được kết nối, duy trì để luôn sẵn sàng tuyển dụng khi đủ điều kiện xuất cảnh trở lại.

MỸ HẠNH