Xúc tiến đầu tư nông nghiệp, nông thôn

05/06/2023 - 07:58

 - Tỉnh An Giang mở rộng cửa đón tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn, DN FDI đầu tư vào vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh lớn; phát triển trung tâm dịch vụ hậu cần nông nghiệp. Tỉnh ưu tiên DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp đầu tư vào phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương; đầu tư liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác...

Thuận lợi bước đầu

Đến nay, tỉnh tiếp nhận 102 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư), tổng vốn hơn 44.900 tỷ đồng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết: “Để thu hút đầu tư, phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh linh hoạt thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ thuế, tiền thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính... Đặc biệt, hỗ trợ, đồng hành, tạo mọi điều kiện tốt nhất để DN tìm hiểu, khảo sát, triển khai dự án (do DN đề xuất).

Phát triển sản phẩm lợi thế địa phương

Điển hình như, Tập đoàn TH khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao, quy mô trên 178ha (tại xã Vĩnh Gia, Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn), tổng mức đầu tư hơn 2.655 tỷ đồng. Quy mô đàn bò nuôi tập trung 10.000 con, nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 135 tấn/ngày. Dự án có thời gian đầu tư 4 năm, từ năm 2020 - 2024. Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc, diện tích 161.000m2 tại xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn), quy mô lớn nhất Châu Á, công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa 240.000 tấn, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn lúa khô/ngày, công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày. 

Mặc dù “bệ đỡ” nông nghiệp An Giang khá vững chắc, nhưng khó thúc đẩy tăng trưởng nhanh, nếu thiếu cơ chế mang tính đột phá. Nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, chính sách ưu đãi kém hấp dẫn… khiến quá trình kêu gọi đầu tư ít nhiều gặp khó. Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị hỗ trợ tỉnh xây dựng đề án, vận hành trung tâm đầu mối ở An Giang, gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt (theo chỉ đạo của Bộ Chính trị). Đồng thời, nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành chính sách đặc thù đối với DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị nông sản.

Thu hút đầu tư bằng lợi thế sẵn có

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn với tinh thần đồng hành cùng DN từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh ban hành kế hoạch xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn năm 2023. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư, thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh nông sản. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh và cơ giới hóa trong nông nghiệp; nông nghiệp xanh, ít phát thải carbon; nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản phẩm chủ lực (lúa - nếp, cá tra, xoài, rau màu, ngành hàng có tiềm năng), phát triển bền vững vùng sản xuất nông - thủy sản quy mô tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị của từng loại sản phẩm. Từng bước tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đẩy mạnh thu hút dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, dự án đầu tư của tập đoàn lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Tỉnh ưu tiên thu hút dự án đầu tư thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, bảo quản đối với ngành hàng nông sản chủ lực, giảm tổn thất sau thu hoạch, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý chất lượng của thị trường tiêu thụ. Đồng thời, thu hút đầu tư chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ chuỗi giá trị. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn; phát triển dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, với ngành nghề truyền thống, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)...

Tỉnh mời gọi đầu tư 7 dự án: Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây ăn trái, chuỗi cung cấp con giống - trại nuôi heo thịt an toàn - lò giết mổ (huyện Tri Tôn), chuỗi liên kết sản xuất, nhà máy chế biến bột gạo/nếp, chế biến rau, củ, quả (huyện Phú Tân); khu phức hợp nuôi trồng thủy sản công nghệ cao (huyện Thoại Sơn); Trung tâm đầu mối sản xuất và phân phối lúa gạo cấp vùng tại An Giang, khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh (huyện Châu Thành), nhà máy sơ chế, chế biến nông sản (huyện Chợ Mới).

Các địa phương kêu gọi 12 dự án: Kho chứa nông sản phường An Phú, kho chứa nhà máy chế biến trái cây (TX. Tịnh Biên); cụm công nghiệp sản xuất nếp bền vững (huyện Phú Tân); khu đô thị giáo dục, y tế và nông nghiệp công nghệ cao (huyện Châu Thành); nhà máy chế biến xoài, sơ chế sản phẩm rau màu Kiến An, nhà máy sơ chế nông sản xã Mỹ An, nhà máy chế biến sản phẩm thịt bò - lò giết mổ gia súc, gia cầm xã Mỹ An và Tấn Mỹ, nhà máy sản xuất phân hữu cơ, dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái (huyện Chợ Mới).

HẠNH CHÂU