Xuyên tạc ngày 30/4 là có tội với đất nước, nhân dân

15/04/2022 - 07:27

Trong khi nhân dân cả nước đang sống trong khí thế hào hùng, trong niềm tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, thì lại xuất hiện những luận điệu cho rằng, 30/4 là ngày “quốc hận”, là “nỗi đau lớn của dân tộc”. Dù đó là những tiếng nói lạc lõng, lố bịch, đi ngược lại sự thật lịch sử và nguyện vọng của nhân dân, nhưng vẫn gây dao động khối đại đoàn kết dân tộc.

Trên một số diễn đàn mạng xã hội hiện nay, có không ít ý kiến tỏ ra “tiếc nuối” trước sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975. Họ lý luận rằng: “Phải chi hồi ấy miền Bắc cứ xây dựng CNXH theo ý cộng sản, miền Nam đi theo Mỹ để được thừa hưởng nền văn minh, sự giàu có của nước Mỹ hùng cường”, “Phải chi đừng cố giải phóng miền Nam, cứ chia nhau chung sống hòa bình thì đã không có bao người phải ngã xuống, hy sinh, gia đình ly tán”, “Nếu không giải phóng, Sài Gòn đã trở thành con rồng Châu Á như Singapore”… Thậm chí, có luận điệu còn gọi những ngày tháng 4 là “những ngày đen tối”, 30/4 là ngày “quốc hận”…

Mặc dù đây là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn, những phân tích hoàn toàn duy ý chí, nhưng vẫn ít nhiều tác động đến tư tưởng của một bộ phận nhân dân, nhất là giới trẻ. Những lý luận sai lệch ấy còn tác động, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với những giá trị lịch sử của dân tộc.

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam là một đất nước luôn phải chống chọi với giặc ngoại xâm để bảo vệ từng tấc đất do tổ tiên gầy dựng. Từng chứng kiến những mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra nên trên hết và trước hết, Việt Nam là một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình và cực kỳ căm ghét chiến tranh. Khi buộc phải tham gia chiến tranh thì đó đều là những cuộc chiến vệ quốc chính nghĩa.

Vậy tại sao phải giải phóng miền Nam, phải có sự kiện 30/4/1975? Câu trả lời chỉ có một: Vì Việt Nam là một khối thống nhất, một đất nước có độc lập, chủ quyền. Với truyền thống lịch sử hào hùng, dân tộc Việt Nam không chấp nhận bất kỳ sự đô hộ, cai trị của quốc gia nào.

Lẽ ra, nếu không phải vì tham vọng của Mỹ và toan tính của một số nước lớn, Việt Nam đã không phải bị chia cắt sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Với âm mưu xóa bỏ CNXH ở Việt Nam và khu vực, Mỹ đã hất cẳng Pháp, nhảy vào xâm chiếm nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành nhà tù khổng lồ. Mỹ đã đưa vào miền Nam hơn nửa triệu quân và sử dụng tất cả các loại vũ khí, kỹ thuật hiện đại nhất, kể cả vũ khí hóa học, với mưu toan đè bẹp ý chí chiến đấu của dân tộc ta, buộc chúng ta phải khuất phục. Điển hình của sự thảm khốc, tàn bạo đó là quân đội Mỹ đã dùng pháo đài bay B.52 ném bom hủy diệt Hà Nội và một số thành phố khác, hòng “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.

Trái với nguyện vọng hòa bình của nhân dân ta, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã từng bước vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ, dựng lên chính quyền tay sai bù nhìn, lê máy chém khắp miền Nam, biến miền Nam Việt Nam thành nhà tù khổng lồ, chia cắt đất nước. Vì độc lập, tự do của dân tộc, buộc toàn thể nhân dân ta phải cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược. Dưới sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ở cả hai miền Nam, Bắc đã đồng tâm, hiệp lực, không ngại hy sinh, gian khổ, đoàn kết chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bạo của Mỹ và tay sai, giành thắng lợi với mốc son chói lọi là đại thắng mùa xuân 1975, thu non sông đất nước về một mối, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cả dân tộc.

Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện hòa hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong nước và kiều bào nước ngoài. Ngay với những người từng có tư tưởng thù địch, chống phá cách mạng, vẫn được quê hương dang rộng vòng tay chào đón khi họ nhận ra lỗi lầm. Về đối ngoại, Việt Nam chủ trương làm bạn với tất cả các nước, kể cả các nước từng đem quân xâm lược nước ta. Chủ trương “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”cho thấy một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhưng “sẵn sàng hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một thắng lợi của chính nghĩa, đem lại độc lập, tự do thật sự cho nhân dân, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Nuối tiếc cái đã lùi vào quá khứ, dĩ vãng để gieo rắc ý thức “quốc hận” là có tội với chính đồng bào, dân tộc mình, với chính quá khứ hào hùng của lịch sử dân tộc. Tư tưởng, quan điểm đó là sự nuôi dưỡng, kích động sự thù địch, chia rẽ dân tộc một cách có chủ đích. Dùng từ “quốc hận” để chỉ ngày 30/4/1975 là cố ý xuyên tạc sai sự thật lịch sử, tiếp tay cho kẻ thù, có hại cho tinh thần hòa hợp, đoàn kết dân tộc, cần phải lên án, bác bỏ.

N.H