.jpg)
PGS.TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang
Phóng viên (P.V): Thưa PGS.TS.BS, suốt 50 năm xây dựng và trưởng thành, ngành y tế đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân như thế nào?
PGS.TS.BS Trần Quang Hiền: Với một tỉnh đông dân, vùng biên giới và nhiều dân tộc, ngành y tế An Giang không ngừng vượt qua khó khăn, từng bước phát triển vững chắc, toàn diện, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp tinh gọn hợp lý, hiệu quả hoạt động nâng lên. Dù nguồn lực còn nhiều khó khăn, song Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế công lập, gắn với khuyến khích phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đạt 28 giường bệnh/10.000 dân với 6 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 bệnh viện tuyến huyện, 11 trung tâm y tế tuyến huyện đa chức năng, 4 phòng khám đa khoa khu vực và 155 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 4 bệnh viện đạt chứng nhận của Hội Đột quỵ Thế giới. Đặc biệt, là tỉnh đầu tiên, duy nhất đưa vào hoạt động bệnh viện Đa khoa Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng, quy mô 100 giường.
Nhiều kỹ thuật y tế mới, chuyên sâu, phức tạp, như: Can thiệp mạch não, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, hồi sức sơ sinh và nuôi sống trẻ 800 - 1.000gr... thực hiện thành công, bệnh nhân không phải chuyển tuyến. Chất lượng quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân thông qua hệ thống y tế cơ sở được cải thiện. Nhân lực y tế được quan tâm phát triển với nhiều hình thức; đến nay, toàn tỉnh đạt 10,68 bác sĩ/10.000 dân. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, ngành y tế, những chiến sĩ áo trắng ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu chống dịch, dấn thân, cống hiến, góp phần quan trọng kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân, minh chứng rõ tinh thần “Thầy thuốc như mẹ hiền”.
P.V: Thưa PGS.TS.BS, đến nay ngành y tế An Giang có nhiều đóng góp gì đối với công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân?
PGS.TS.BS Trần Quang Hiền: Ngành y tế thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu so kế hoạch, đạt tiến độ các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, số giường bệnh và bác sĩ trên 10.000 dân; thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, kiểm soát tốt dịch bệnh lưu hành, dự báo sớm, ngăn chặn các dịch bệnh mới phát sinh. Chất lượng KCB, dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao. Các bệnh viện và trung tâm y tế liên tục cải tiến quy trình KCB, bổ sung danh mục kỹ thuật mới và cập nhật phác đồ điều trị. Các cơ sở y tế duy trì tốt công tác chỉ đạo tuyến, phục vụ cấp cứu và điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân. Đặc biệt, mạng lưới cấp cứu và điều trị đột quỵ của tỉnh phát triển mạnh mẽ với 4 cơ sở đạt chứng nhận quốc tế. Sở Y tế còn hợp tác quốc tế, hợp tác các trường đại học y dược, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đến nay, tất cả 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ làm việc, trong đó 77,56% trạm có biên chế bác sĩ; 100% trạm có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 100% xã, phường có cơ sở trạm y tế hoạt động; 100% trạm y tế KCB bảo hiểm y tế. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình. Tăng cường mua sắm trang thiết bị, đảm bảo nguồn thuốc. Sở Y tế đã hoàn thiện các đề án quan trọng, góp phần cải tổ hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
P.V: Thưa ông, cải cách hành chính góp phần nâng cao chất lượng KCB và hiệu quả quản lý y tế như thế nào?
PGS.TS.BS Trần Quang Hiền: Ngành y tế tập trung cải cách hành chính, chuyển đổi số, số hóa. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào y tế, tạo bước đột phá quan trọng. Sở Y tế đã triển khai phần mềm thống kê y tế điện tử, quản lý KCB, thanh toán bảo hiểm y tế, giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả KCB. Đặc biệt, sáng kiến hội chẩn, tư vấn và KCB từ xa, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh, tiện lợi, đặc biệt đối với các ca bệnh khó, cần tư vấn hội chẩn từ các chuyên gia tuyến trên. Hiện, hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân được triển khai rộng rãi. Các bệnh viện chuyển đổi sang sử dụng bệnh án điện tử, thay thế bệnh án giấy và đăng ký KCB trực tuyến. Đặc biệt, đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và cơ sở dữ liệu chuyên ngành y tế… giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, quản lý y tế hiện đại và hội nhập công nghệ 4.0, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
P.V: Ngành y tế đã đẩy mạnh phát triển y tế chuyên sâu như thế nào, thưa ông?
PGS.TS.BS Trần Quang Hiền: Đẩy mạnh y tế chuyên sâu là một trong những hướng đi quan trọng ngành y tế An Giang đã và đang nỗ lực thực hiện. Ngoài đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các bệnh viện, trung tâm y tế được trang bị các thiết bị y tế tiên tiến như máy chụp MRI, siêu âm 4D, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, các hệ thống hỗ trợ điều trị như máy chạy thận nhân tạo, hệ thống điều trị ung thư bằng xạ trị… Các phương pháp điều trị hiện đại như phẫu thuật nội soi, điều trị bằng tế bào gốc và liệu pháp gen đang được áp dụng tại một số cơ sở y tế, giúp giảm thiểu rủi ro và thời gian phục hồi nhanh; giảm tải tuyến trên...
P.V: Xin cảm ơn PGS.TS.BS Trần Quang Hiền!
HẠNH CHÂU (Thực hiện)