Ông Nguyễn Văn Thảo (sinh năm 1968, ngụ ấp Đông Sơn 2, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết, gia đình ông quản lý, sử dụng đất của ông bà nội và cha mẹ ông khai phá đất từ năm 1950 để lại, diện tích 6.000m2. Năm 2003, gia đình ông hiến một phần làm con đường lên núi, nên số đất bị phân ra làm hai. Đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, nhưng không phát sinh tranh chấp với ai. Trưa ngày 21-10-2021, khoảng 20 nam, nữ (là người thân trong gia đình ông T.) từ nơi khác đến phần đất uy hiếp, đập phá tài sản của ông. Họ cắt 240m hàng rào lưới B40 (chiều cao 1,8-2m), quật ngã 14 trụ đá và chặt 21 cây trồng lâu năm (gồm: Mãng cầu, ổi, nhãn, xoài, dừa); đồng thời chặt, nhổ bỏ nhiều loại rau, tổng thiệt hại trên 65 triệu đồng.
Cũng theo ông Thảo, bị phá hoại tài sản, nhiều người trong nhà không ai dám ngăn cản, sợ bị gây thương tích. Gia đình ông điện báo công an địa phương, quay video làm bằng chứng. Tổng cộng, họ phá hoại đến 6 lần, từ ngày 21 đến 26-10-2021. Ngày 13-11-2021, trả lời sự việc, Công an huyện Thoại Sơn xác định sự cố xảy ra là do tranh chấp 5.000m2 đất giữa gia đình ông T. với gia đình ông Thảo. Nhóm chỉ có 6 đối tượng, hầu hết là người nhà của ông T., họ chặt đốn cây ở vị trí hàng rào, không xác định số cây của ai trồng, thời gian nào. Hành vi của họ không đủ cơ sở quy kết tội hủy hoại tài sản và đe dọa giết người.
Ông Nguyễn Văn Thảo trình bày vụ việc
“Chúng tôi có nhiều nhân chứng, sẵn sàng đứng ra trình bày vụ việc. Đặc biệt, 16 video clip của gia đình tôi ghi nhận rất rõ hành vi của nhóm người. Toàn bộ cây trồng bị chặt đốn nằm trong hàng rào của gia đình tôi, được bao bọc nhiều năm, người xung quanh đều biết. Cùng với hành vi phá hoại, trong các video clip thể hiện rõ nhóm người nhiều lần lớn tiếng hăm dọa giết chúng tôi, gây thiệt hại nặng, khủng bố tinh thần mọi người. Gia đình tôi kiến nghị cơ quan công an làm rõ về hành vi của nhóm người trên và xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Văn Thảo bức xúc.
Tìm hiểu sự việc được biết, trên phần đất có con đường đi lên Duyên Phước tự cùng một số chùa, am cốc... Liên quan đến khu đất, trước đây xảy ra tranh chấp ranh đất, người nhà của ông Thảo bị thương tích nặng, điều trị nhiều ngày chưa hồi phục, đang khiếu nại. Khu vực đất có vườn tạp, ở triền núi, thuộc quyền quản lý của nhà nước, chưa cấp quyền sử dụng đất cho ai.
Trả lời việc này, Công an huyện Thoại Sơn cho biết, phần đất do gia đình bà Lâm Thị Tấm (mẹ ông Thảo) khai mở, sử dụng. Đến năm 1968, hãng RMK của Mỹ khai thác đá và thỏa thuận bồi hoàn đối với các hộ, trong đó có bà Tấm. Sau năm 1975, khu vực này nhà nước giao cho Xí nghiệp 722 quản lý. Gia đình ông Thảo làm hàng rào lưới B40. Cho rằng gia đình ông Thảo lấn qua ranh đất, ông Nguyễn Văn N. (con ông T.) và 5 người trong gia đình đến tháo dỡ hàng rào, chặt đốn cây cặp hàng rào đang tranh chấp, chưa xác định số cây ai trồng, thời gian nào, không đủ căn cứ xử lý hành vi hủy hoại tài sản. Đối với hành vi đe dọa giết người, qua làm việc các đối tượng trong gia đình ông Nam, xác nhận: Họ có đến gặp ông Thảo nhưng 2 bên không cự cãi hay hăm dọa giết người. Qua đó, việc tố giác của gia đình ông Thảo không có cơ sở.
Luật sư Trần Ngọc Phước (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, vụ việc xảy ra nhiều lần, được gia đình ông Thảo trình báo. Đặc biệt, diễn biến của sự việc được ghi nhận trong 16 video clip, cùng một số người đi đường thấy, cung cấp thông tin. Đây là các dữ liệu, tình tiết quan trọng, góp phần cung cấp chứng cứ để cơ quan chức năng làm rõ bản chất sự việc. Nếu cho rằng Công an huyện Thoại Sơn chưa làm rõ hết chứng cứ, cơ sở, tình tiết được ghi nhận trong 16 video clip và nhân chứng, ông Thảo có thể khiếu nại vụ việc đến cấp có thẩm quyền, yêu cầu xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: N.R