34 năm sống cuộc đời thực vật

22/03/2018 - 07:12

 - Đó là trường hợp của em Lê Thị Phi Lan (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn, An Giang), là nạn nhân chất dộc da cam/dioxin. Trong ngần ấy thời gian, Lan sống trong đau khổ và bệnh tật.

34 tuổi nhưng Lê Thị Phi Lan cân nặng chỉ có 13kg. Lan là con út trong gia đình có 6 anh em. Ba của Lan là ông Lê Hữu Hạnh (sinh năm 1935, bộ đội binh chủng đặc công), từng tham gia nhiều trận đánh mang tính quyết định tại thành cổ Quảng Trị và các chiến dịch giải phóng miền Nam. Hiện nay, cha mẹ của Lan đều đã mất, người nuôi dưỡng trực tiếp là chị Lê Thị Dung Hằng (người chị thứ 2 của gia đình, năm nay đã 52 tuổi).

“Tôi nuôi Lan trong nhiều năm. Những gì tôi có thể làm thì tôi đã làm. Lan bị nhiễm chất độc da cam nên quá trình nuôi, Lan chỉ lớn chứ không khôn. Lan sống cuộc đời thực vật đã 34 năm. Bao nhiêu tiền của đều tập trung chăm lo cho em, đến nay gia đình đã khánh kiệt. Tôi rất thương em nên không bỏ được. Thức khuya, dậy sớm, lâu ngày rồi kiệt sức, tôi được đưa vào nằm trong bệnh viện. Lúc ấy, Lan cũng phải theo tôi vào bệnh viện, nằm kế bên giường bệnh, nhìn em “dại khờ”, tôi đứt từng đoạn ruột…”- chị Hằng tâm sự.

Mỗi tháng, Lan được hưởng tiền chính sách 1.417.000 đồng. Số tiền ấy không đủ chi phí để lo cho em vì Lan luôn đau yếu và bệnh tật. “Hệ thống tiêu hóa của em bị dị tật nên mỗi lần bị bệnh, phải điều trị kéo dài từ 30-45 ngày mới hết”- chị Hằng chia sẻ thêm.

Lan là 1 trong 10 trường hợp nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin của thị trấn Núi Sập. Thời gian qua, trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Thoại Sơn, Hội Chữ thập đỏ thị trấn Núi Sập luôn kề vai, sát cánh cùng gia đình để chăm sóc Lan.

“Tất cả sinh hoạt của Lan đều phải có người trợ giúp. Chị Hằng không đi làm ăn được vì phải chăm sóc cho Lan, vì vậy số tiền Nhà nước trợ cấp hàng tháng không đủ sinh hoạt và trị bệnh. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng cùng nhau giúp đỡ để có tiền lo cho em Lan” - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Núi Sập Ngô Văn Đôi kêu gọi.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những gì mà nó để lại thật “khủng khiếp”. Hàng ngàn nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh là một minh chứng. Tất cả những gia đình có con em bị nhiễm chất độc da cam đều nghèo khổ, sống nhờ vào sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vào tình thương của cộng đồng và xã hội.

Hãy cùng nhau xoa dịu nỗi đau da cam chính là thông điệp mà Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh gửi đến cộng đồng, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để chăm lo cho những người kém may mắn trong cuộc sống.

34 năm sống cuộc đời thực vật

Chị Hằng (bên phải), người trực tiếp chăm sóc cho Lan trong thời gian qua

“Hội Nạn nhân chất dộc da cam/dioxin huyện Thoại Sơn kêu gọi các tổ chức, cá nhân; các nhà hảo tâm mở hỗ trợ kinh phí để gia đình tiếp tục nuôi em Lan. Đây là trường hợp đặc biệt, cần được chăm sóc tốt”- Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin huyện Thoại Sơn Phùng Văn Sang kêu gọi.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN