4 món ăn phổ biến nhưng cũng cần lưu ý vì có thể bị ngộ độc

13/06/2019 - 14:25

Ngộ độc thực phẩm là vấn đề sức khỏe phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp. Dù rất cẩn thận nhưng chúng ta vẫn có nguy cơ bị ngộ độc từ những món ít ai ngờ tới.

Dù nguy cơ thấp nhưng người ăn trứng ốp la vẫn có thể bị ngộ độc thực phẩm nếu ăn phải trứng của gà mái bị nhiễm khuẩn salmonella SHUTTERSTOCK

Trứng ốp la

Trứng ốp la là món ưa thích của nhiều người, được chế biến bằng hình thức chiên. Tuy nhiên, môt phần của trứng chưa chín và có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn salmonella, theo Reader’s Digest.

Salmonella là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất. Người ăn bị nhiễm khi ăn phải trứng của con gà mái bị nhiễm khuẩn salmonella.

Dù nguy cơ nhiễm salmonella là khá hiếm nhưng những đối tượng như trẻ nhỏ, người già hoặc bất kỳ ai có hệ miễn dịch yếu cần phải đề phòng. Cách tốt để phòng tránh nhiễm khuẩn là hãy luộc thật kỹ trứng.

Cá ngừ

Cá ngừ là món ăn bổ dưỡng. Nhưng khi không được bảo quản đúng cách thì thịt cá ngừ có thể gây ngộ độc scombroid. Khi cá ươn, hàm lượng histamine trong cá sẽ tăng cao và gây ngộ độc thực phẩm.

Triệu chứng của ngộ độc khi ăn cá ngừ là đau bụng, phát ban ở mặt và nhiều nơi trên cơ thể.

Để phòng tránh, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nếu ăn cá ngừ ở nhà hàng thì hãy chọn những nơi uy tín. Cá ngừ tươi khi mua về cần phải tươi và được bảo quản tốt.

Dưa leo

Không giống như nhiều loại rau củ khác, dưa leo thường không nấu chín mà được ăn sống và ăn luôn cả vỏ. Chính thói quen này làm tăng nguy cơ bị ngộ độc. Vào năm 2015, Mỹ từng ghi nhận đợt bùng phát nhiễm khuẩn salmonella mà nguyên nhân chính là do ăn dưa leo sống.

Để hạn chế nguy cơ bị ngộ độc, các chuyên gia sức khỏe lưu ý người ăn cần rửa thật sạch dưa leo dù có ăn vỏ hay không. Những vết thâm, đen trên dưa cần được cắt bỏ trước khi ăn, theo Reader’s Digest.

Đậu thận đỏ

Đậu thận đỏ có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng lại có chứa chất phytohaemagglutinin có thể gây ngộ độc. Thông thường, chất này sẽ bị phân hủy khi đậu thận đỏ được nấu chín.

Nếu trong quá trình chế biến mà nhiệt độ nóng không thể phân hủy phytohaemagglutinin thì người ăn sẽ đối mặt nguy cơ bị buồn nôn, tiêu chảy do ngộ độc, theo Reader’s Digest.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo khi ăn đậu thận đỏ cần phải luộc đậu trong nước sôi ít nhất 30 phút để đảm bảo an toàn.

Theo NGỌC QUÝ (Thanh Niên)