7 ngày Tết, tai nạn giao thông làm 135 người tử vong

09/02/2019 - 09:09

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), ngày 8-2 (tức mùng 4 Tết), cả nước xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông, làm chết 23 người, bị thương 39 người. So với ngày liền kề trước đó (mùng 7-2 tức mùng 3 Tết) tai nạn giao thông tăng 4 vụ, 7 người chết nhưng giảm 1 người bị thương. Tất cả đều xảy ra trên đường bộ; đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.

Tính ra trong 7 ngày nghỉ Tết, xảy ra 214 vụ tai nạn giao thông, cướp đi 135 sinh mạng và làm bị thương 189 người. So sánh với 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018 giảm 4 vụ (1,83%), giảm 60 người chết (30,7%), giảm 10 người bị thương (5%). Tuy nhiên, trong những ngày từ mùng 2 Tết đến mùng 4 Tết Kỷ Hợi, tình hình trật tự an toàn giao thông cũng đã diễn biến phức tạp hơn so với 4 ngày nghỉ lễ trước đó.

Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đầu tiên trong kỳ nghỉ Tết đã xảy ra vào khoảng 9 giờ ngày 8-2, tại Km 315+260 Quốc lộ 1A thuộc thôn Quỳ Chữ, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, giữa xe ô tô khách với xe ô tô 7 chỗ. Hậu quả làm 3 người trên xe ô tô 7 chỗ chết và 5 người khác bị thương, hiện đang cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hàm Rồng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, 2 xe bị hư hỏng nặng.

Nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định xe 7 chỗ di chuyển trên quốc lộ 1A hướng Hà Nội – Thanh Hóa, đến Km 315+205 rẽ trái, thì bị xe khách di chuyển cùng chiều đâm vào hông.

Sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã gửi lời chia buồn với các gia đình nạn nhân không may qua đời và động viên, chia sẻ với những nạn nhân bị thương trong vụ việc. Đồng thời, phân công Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ dẫn đầu đoàn công tác đến hiện trường trực tiếp thăm hỏi các nạn nhân và phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ việc. Phó thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ngành, địa phương ưu tiên cao nhất cho công tác cứu chữa các nạn nhân bị thương để giảm thiểu thiệt hại về người; khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân vụ tai nạn giao thông, chú ý kiểm tra tình trạng chất kích thích thần kinh và nồng độ cồn trong cơ thể 2 lái xe trong vụ tai nạn giao thông; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

* Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong 2 ngày còn lại kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và thời gian diễn ra lễ hội Xuân 2019, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo thực hiện quyết liệt Công điện số 1793/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019, trong đó tập trung huy động tối đa lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Thanh tra giao thông vận tải và lực lượng Cảnh sát khác đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tiếp tục ưu tiên xử lý các hành vi lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất kích thích thần kinh và vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện. Chỉ đạo các cơ sở y tế ở trung ương và địa phương tăng cường nhân lực, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh và máu cứu chữa các nạn nhân bị tai nạn thương tích, đặc biệt ưu tiên cứu chữa các nạn nhân tai nạn giao thông; kiểm tra nồng độ cồn và chất ma túy đối với tất cả các nạn nhân tai nạn giao thông vào cấp cứu tại đơn vị.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường phương tiện, con người bảo đảm đủ năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt là trên các tuyến vận tải kết nối giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong cả nước. Bố trí lực lượng, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn cho nhân dân trở về thành phố khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhất là các tuyến giao thông hướng về Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; xử lý điều tiết, khắc phục kịp thời khi có sự cố, tai nạn giao thông, không để ùn tắc giao thông kéo dài.

Các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, đặc biệt là các đài truyền hình, phát thanh, hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức an toàn giao thông, thực hiện các quy định pháp luật về giao thông, trong đó nhấn mạnh tuyệt đối tuân thủ quy định: đã uống rượu bia thì không lái xe; không phóng nhanh vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; lựa chọn và sử dụng dịch vụ của đơn vị vận tải có uy tín, chủ động thời gian di chuyển tránh ùn tắc giao thông, hạn chế đưa tiễn người thân tại các sân bay, nhà ga nhằm giảm áp lực cho hạ tầng cũng như ùn tắc giao thông; sử dụng dụng cụ cứu sinh khi đi phương tiện thủy nội địa; chú ý quan sát an toàn khi vượt qua đường ngang đường sắt. Các địa phương xây dựng và thực hiện phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tổ chức, hướng dẫn giao thông thuận tiện, an toàn tại khu vực tổ chức các lễ hội Xuân 2019 có quy mô lớn, đông du khách tham dự.

Theo TTXVN