An Giang đầu tư phát triển hạ tầng du lịch

29/04/2019 - 08:23

 - UBND tỉnh vừa triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 59/CTr-UBND về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang năm 2019, nhằm đẩy mạnh khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh, tạo bước đột phá phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch... để An Giang trở thành một trong những trung tâm du lịch ở ĐBSCL.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phạm Thế Triều, năm 2019, tỉnh phấn đấu đón 9,2 triệu lượt khách đến các khu, điểm du lịch, trong đó lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 1,2 triệu lượt, 120 ngàn lượt khách quốc tế. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 5.500 tỷ đồng.

Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ thực hiện, trước hết là tháo điểm nghẽn, phát triển hạ tầng giao thông: triển khai thực hiện 6 dự án hạ tầng giao thông tại các khu, điểm du lịch: dự án nâng cấp Tỉnh lộ 943 (đoạn từ ngã ba đường số 1 đến cầu Phú Hòa); dự án nâng cấp xây dựng cầu Phú Hòa; dự án nâng cấp Tỉnh lộ 943 (đoạn từ cầu Mướp Văn đến cầu Tân Tuyến); dự án nâng cấp đường (Tỉnh lộ 9432 đoạn từ Km57 đến Km64); dự án nâng cấp Tỉnh lộ 955A; dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú (An Giang) qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối từ huyện Hòn Đất (Kiên Giang), Tỉnh lộ 945. Duy tu sửa chữa 16 tuyến đường trong tỉnh kết nối đến các khu, điểm du lịch. Tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Kiến nghị Trung ương bố trí vốn triển khai các dự án: tuyến N1 từ Châu Đốc qua Tân Châu - Hồng Ngự (Đồng Tháp); tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên…

Phấn đấu đưa ngành du lịch An Giang thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Theo quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và mời gọi đầu tư tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm, bố trí nguồn vốn phát triển hạ tầng du lịch. Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện các dự án đã trao quyết định chủ trương và ghi nhớ cam kết đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018. Các dự án ghi nhớ cam kết đầu tư: Tổ hợp khách sạn 5 sao, Trung tâm Thương mại và Shophouse Vinpearl Long Xuyên (Tập đoàn Vingroup); Khu đô thị du lịch Mỹ Hòa Hưng, Khu du lịch và sân golf hồ Tà Lọt - Khu du lịch núi Cấm (Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T)... Dự án quyết định chủ trương đầu tư: Trung tâm Thương mại dịch vụ du lịch TP. Châu Đốc (Công ty TNHH Thương mại XNK Hải Đến); dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Trà Sư (Công ty Cổ phần Du lịch An Giang); du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư (Công ty Cổ phần Du lịch An Giang); Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - cáp treo núi Sam (Công ty Cổ phần MGA Việt Nam)...

Theo UBND tỉnh, tỉnh hỗ trợ các nhà đầu tư về thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách để đưa các dự án đã được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư đi vào hoạt động. Đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh các công trình hạ tầng tại Khu du lịch núi Sam, núi Cấm, Khu du lịch hồ Soài So nhằm phát triển các sản phẩm du lịch mới, đa dạng. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng 2 bến tàu với nhiều cầu tàu đón khách du lịch đường sông tại TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc. Đồng thời, thực hiện chương trình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp để tạo ra sản phẩm du lịch mới.

Phát triển hạ tầng thông tin, tỉnh thực hiện Đề án “Xây dựng và quảng bá hình ảnh tỉnh An Giang", phục vụ giới thiệu, quảng bá hình ảnh, giá trị của địa phương trong phạm vi quốc gia và mở rộng ra nhiều nước trên thế giới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tỉnh trên mạng xã hội. Cùng với phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông, internet và ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông phát triển, củng cố hạ tầng, nâng cao chất lượng viễn thông, internet phục vụ khách du lịch, phủ sóng Wifi công cộng tại các khu, điểm du lịch của tỉnh thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn, xây dựng website (chú trọng tiếng Anh), vận dụng mạng xã hội facebook, twitter, youtube...) với nhiều tiện ích mới, hữu ích cho khách du lịch và khách sạn... Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình đạo tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng làm du lịch cho xã hội. Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển du lịch; chủ động liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp quảng bá du lịch An Giang đến các thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh liên kết các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh...

Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến kích cầu du lịch và khoa học công nghệ phục vụ phát triển phát triển du lịch. Tỉnh mời gọi nghiên cứu khai thác thị trường khách du lịch đường thủy và du lịch dã ngoại An Giang giai đoạn 2020-2030. Phối hợp các viện, trường, các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghiên cứu phát triển du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020... nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU