An Phú quản lý nguồn nước sản xuất, sinh hoạt

14/08/2018 - 06:50

 - Vấn đề Arsen trong nước ngầm đã trở thành mối quan tâm lớn đối với sức khỏe con người, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở thế giới. Arsen là một trong những tác nhân gây tổn thương da và các bệnh ung thư gan, thận…

Arsen là một trong những chất ô nhiễm vô cơ nguy hiểm nhất trong nước ngầm và được đánh giá là một trong những nguyên nhân gây tử vong do bệnh ung thư trên toàn thế giới. Các nguồn nhiễm Arsen chính như: trong nước uống, rau quả được tưới tiêu hoặc thực phẩm được sơ chế từ nguồn nước nhiễm Arsen.

Sau khi tiếp xúc với Arsen vô cơ trong thời gian dài, các triệu chứng ban đầu có thể nhận thấy ở da (đổi sắc tố, tổn thương da, xuất hiện các vết loang cứng ở lòng bàn tay và bàn chân…). Những triệu chứng này xuất hiện khi phơi nhiễm tối thiểu 5 năm và là tiền đề dẫn đến các bệnh ung thư da.      

Hiện, nguồn nước ngầm của tỉnh với trữ lượng khai thác an toàn khoảng 76.000m3/ngày là nguồn tài nguyên lớn để góp phần giải quyết nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, chất lượng nước ngầm không đồng đều, nhiều khu vực như các huyện cù lao có nước ngầm thường nhiễm Arsen, nhiễm phèn… Đặc biệt, việc khai thác nước ngầm quá mức làm cho mực nước ngầm bị hạ thấp dẫn đến sụt lún đất trong tương lai và ô nhiễm mạch nước ngầm.

Sử dụng nước sông phục vụ sản xuất nông nghiệp

Năm 2017, toàn huyện An Phú có 982 giếng khoan, chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Qua tuyên truyền về tác hại Arsen đối với môi trường và sức khỏe con người, đến nay đã trám lấp 9 giếng.

Theo kết quả khảo sát của Viện Vệ sinh y tế cộng đồng TP. Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và huyện An Phú đã tiến hành khảo sát, lấy mẫu nước 681 giếng khoan để xét nghiệm Arsen, kết quả có 552 mẫu vượt tiêu chuẩn >10ppb.

Còn theo kết quả nghiên cứu năm 2015 của tổ chức RESCEF phối hợp Trường đại học Bách khoa (TP. Hồ Chí Minh) lấy 114 mẫu của 37 giếng khoan hộ gia đình tại xã Khánh An. Tất cả 37 giếng được chọn theo tiêu chí: gần sông, cách xa sông Hậu… để lấy mẫu. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng Arsen từ 0,2636 đến 0,8651 mg/lít.

Đối với Arsen tại các vùng sản xuất rau màu có sử dụng nước ngầm để tưới, qua phân tích mẫu nước cho thấy, có hàm lượng Arsen dưới ngưỡng cho phép (theo QCVN 01-132:2013/BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Thông tư số 07 ngày 22-1-2013; QCVN 39:2011/BTNMT Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước dùng cho tưới tiêu).

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Minh Thuận cho biết: Trước tình trạng nguồn nước ngầm ngày càng sụt giảm do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, nhất là việc khoan giếng tràn lan gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, UBND huyện An Phú chỉ đạo các ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, tuyên truyền người dân không khoan giếng trái phép. Nhất là tuyên truyền về tác hại của Arsen đối với sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng. Rà soát và lập kế hoạch trám lấp các giếng hư, không sử dụng. Đồng thời, đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới hệ thống thủy lợi nội đồng để đảm bảo phục vụ nước tưới trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, để hạn chế sử dụng nước ngầm trong sản xuất nông nghiệp, UBND huyện phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống thủy lợi nội đồng vùng sản xuất rau màu tập trung tại ấp Phước Khánh (xã Phước Hưng) với tổng diện tích 60ha. Đồng thời, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy chuẩn.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ vượt trội, tạo ra nông sản sạch cung ứng thị trường, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.  

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích