Bàn giải pháp bảo vệ trẻ em

24/08/2018 - 06:47

 - Bạo lực và xâm hại trẻ em (TE), đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) TE đang xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ước tính, mỗi năm có khoảng 1 tỷ TE gánh chịu bạo lực. Tại Việt Nam, mỗi năm trung bình có khoảng 2.000 trường hợp TE bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết. Trước thực trạng trên, lần đầu tiên cuộc họp trực tuyến trên cả nước với quy mô 675 điểm cầu và 18.000 đại biểu đã mạnh dạn bàn sâu để tìm giải pháp bảo vệ TE bị xâm hại.

Trong sự băn khoăn của nhiều đại biểu về con số 2.000 TE bị xâm hại chính là đã có hơn 60% TE bị XHTD. Những năm gần đây, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa về những vụ việc xâm hại gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ, thậm chí làm trẻ tử vong hoặc tự tử. Đó là em gái 11 tuổi bị ông nội và cha đẻ XHTD tại Vĩnh Long, TE tại Trường Mầm non Mầm Xanh (TP. Hồ Chí Minh) và mẹ Mười (TP. Đà Nẵng) bạo hành. Cả cha đẻ và mẹ kế bạo hành, không cho trẻ đi học trong thời gian dài ở TP. Hà Nội, em gái 13 tuổi tự tử sau khi bị người hàng xóm XHTD nhiều lần (Cà Mau), nhiều vụ dâm ô trẻ em ở Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh…

Điều đáng lên án là những người gây ra các vụ việc xâm hại không ai khác chính là những người thân, gần gũi với các em. Theo điều tra, đánh giá của Tổng cục Thống kê, năm 2016 và 2017, trong 28 tỉnh có trẻ bị xâm hại thì TE bị XHTD đến từ trong gia đình (cha đẻ, cha dượng, anh em họ…) là 21,3%; bởi giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,8%; bởi các đối tượng khác là 12,6%; ước tính khoảng 68,4% TE từ 1 đến 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, việc điều tra và xử lý hình sự các đối tượng xâm hại TE chỉ được vài chục vụ, mức xử phạt còn nhẹ chưa mang tính răn đe. Do vậy, chưa khẳng định niềm tin của các gia đình người bị hại vào việc xử lý của cơ quan chức năng, dẫn đến việc trình báo những vụ việc xâm hại vẫn  còn hạn chế.

Hội nghị trực tuyến đầu tiên trên cả nước bàn về cách bảo vệ trẻ em (điểm cầu An Giang)

Trong khi Việt Nam đã ký công ước với Liên Hiệp Quốc về việc thực hiện quyền TE, Luật về TE đã được ban hành, những quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến TE đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thậm chí có đến 17 cơ quan bảo vệ TE, vậy mà câu hỏi đặt ra là lúc TE bị xâm hại thì rất ít được quan tâm, đến khi có báo chí vào cuộc, các cấp trên chỉ đạo, xử lý quyết liệt thì các vụ việc mới được sáng tỏ, các đối tượng mới bị xử lý hình sự.

Giải đáp một phần cho câu hỏi trên, Bộ Công an cho biết, ngành chức năng đã nỗ lực xử lý ngay khi có tố giác. Tuy nhiên, thực tế việc điều tra, củng cố các chứng cứ, hồ sơ vụ việc còn nhiều khó khăn nên quá trình xử lý diễn ra chậm trễ.

Luật sư Ngọc Nữ (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, qua thực tế cũng chỉ ra rằng, tuy Điều 147 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định xử phạt hành vi dâm ô, hiếp dâm, thế nhưng không có khác biệt mức xử phạt với đối tượng xâm hại đối tượng người trưởng thành và TE. Công tác lấy lời khai trẻ nhỏ nhiều lần, ở nhiều thời điểm dễ gây cho trẻ hoang mang, để lại những chấn thương tâm lý sâu sắc. Do vậy, luật sư đã kiến nghị cần phải có những quy định thoáng hơn trong việc điều tra, lấy lời khai ở trẻ, nhân rộng mô hình điều tra thân thiện ở tỉnh Đồng Tháp. Luật sư cũng đề xuất cần có chế tài mạnh hơn, tăng hình phạt đối với đối tượng phạm tội nhiều lần, gắn chíp điện tử giám sát tái phạm đối với tối tượng mãn hạn tù về tội XHTDTE.             

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Chúng ta cần củng cố lại hệ thống pháp lý và bộ máy bảo vệ TE. Ngành công an phải xử lý nhanh chóng, quyết liệt vụ việc XHTD TE, hành vi vi phạm 25 quyền TE như :đánh đập, bỏ rơi, thay đổi cách điều tra theo hướng thân thiện, bảo vệ hình ảnh TE. Ngành giáo dục và đào tạo cần phối hợp gia đình quan tâm giáo dục trẻ em nhiều hơn, tạo nhiều sân chơi lành mạnh, các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho TE. Đồng thời, hướng dẫn gia đình nhận biết trẻ bị xâm hại, cách giúp trẻ tự phòng, tránh bị xâm hại, bạo lực, tai nạn giao thông, đuối nước.

Bên cạnh đó, cần củng cố ban chuyên trách bảo vệ TE cấp xã, nắm được số lượng trẻ, hoàn cảnh cụ thể từng trẻ để quan tâm sát sao hơn và có những cách thức nhanh chóng, khéo léo, kịp thời phối hợp cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi TE, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm để mang tính răn đe, hạn chế mức thấp nhất tình trạng XHTDTE, gây nhức nhối xã hội trong thời gian qua”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích