Biên giới vào xuân

26/01/2018 - 08:14

 - Bỏ lại sau lưng nhịp sống ồn ào nơi phố thị, tôi ngược dòng về vùng biên giới của huyện đầu nguồn An Phú. Những ngày này, bà con tất bật sắm sửa, trang trí nếp nhà tinh tươm để chuẩn bị đón mùa xuân mới. Năm nay, nhờ “trúng mùa, được giá” nên đời sống bà con vùng biên giới An Phú khấm khá hơn.

Niềm vui nông thôn mới

Phú Hữu ngày giáp Tết, những chuyến xe tải đầy ắp hàng hóa băng qua cầu Cỏ Lau, chiếc cầu nông thôn “dài nhất miền Tây” để qua biên giới Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) và tỏa đi khắp nơi. Từ cung đường này, hàng nông sản, cá khô đặc sản, trái cây từ An Phú có mặt ở TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và xuất sang Campuchia. Thẳng tiến về Long Bình, dọc 2 bên đường Quốc lộ 91C, “hoa nông thôn mới (NTM)” khoe sắc vàng óng ả trong nắng xuân, không khí mùa xuân như tràn ngập khắp nơi nơi…Năm nay lũ về, cùng với những vụ mùa bội thu trúng giá, đời sống bà con vùng biên giới An Phú đỡ phần vất vả nên đón Tết vui hơn. Đi trên những cánh đồng bát ngát màu xanh của lúa, của vườn cây ăn trái, dọc 2 bên đường NT là những khóm hoa hoàng yến vàng tươi trong nắng, mới cảm nhận hết những đổi thay của NTM.

Khánh An là xã điểm đầu tiên của huyện An Phú đạt chuẩn NTM, sau 1 năm được công nhận, diện mạo NT ngày càng khởi sắc. Hệ thống đường giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng; tuyến đường nối từ Quốc lộ 91C vào trung tâm hành chính xã được láng nhựa bằng phẳng, đây là công trình đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Những ngôi nhà được xây dựng khang trang; trung tâm thương mại xã hoạt động nhộn nhịp, hàng hóa trao đổi qua lại 2 bên biên giới Việt Nam - Campuchia luôn sôi động.

Tiếp theo Khánh An là Đa Phước phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2018; hiện đã hoàn thành 16/19 tiêu chí, 46/49 chỉ tiêu. Huyện An Phú đã chọn Đa Phước để triển khai các hoạt động “Tết quân - dân 2018” nhằm tạo điều kiện giúp xã hoàn thành lộ trình xây dựng NTM trong năm 2018. Với chủ đề “Nghĩa tình quân - dân”, địa phương và cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 (Tiểu đoàn bộ binh 511) vận động Nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài xã số tiền 1,15 tỷ đồng và 4.510 ngày công lao động để cất mới 19 căn nhà, bê-tông hóa đường dân sinh (dài 140m, ngang 6m), trồng 700 cây hoàng yến, 1.000 chậu hoa mười giờ, chỉnh trang cột cờ và thay cờ dây, tặng 321 ảnh Bác Hồ; 6 bộ máy vi tính cho Trường Tiểu học “B” và Trường THCS Đa Phước. Đồng thời, khám bệnh, cấp thuốc cho 500 người thuộc diện chính sách, hộ nghèo; trao 210 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn; gói tặng bà con nghèo 500 đòn bánh tét. Cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân còn tham gia dọn dẹp, giải tỏa chướng ngại vật lấn chiếm hành lang lộ giới; ra quân tổng vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trên địa bàn…

Có thể khẳng định, với ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc lớn lao, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã huy động được nguồn lực của toàn xã hội chung tay xây dựng nhiều công trình thiết thực, có hiệu quả, đáp ứng sự mong đợi của Nhân dân.

Nhộn nhịp chợ quê

Ngồi nhấm nháp cà-phê ven đường dẫn lên cầu Long Bình, cảm giác càng thêm lâng lâng trong gió chiều miền biên viễn. Anh Cường (ngụ thị trấn Long Bình) cho biết: từ khi cầu Long Bình - Chrey Thom khánh thành, khu vực này nhộn nhịp hẳn lên. Chiều chiều, người dân tập trung về hóng mát, chụp ảnh lưu niệm… nhiều ki-ốt được dựng lên để phục vụ thức ăn nhanh, nước uống xua đi cảm giác buồn tẻ.

Những ngày này, các chợ biên giới trên địa bàn huyện An Phú trở nên sôi động. Trung tâm thương mại Khánh An là chợ có mãi lực cao nhất so các chợ trên địa bàn huyện An Phú. Chợ có hơn 250 ki-ốt, sạp kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Bà Huỳnh Thị Liên (tiểu thương mua bán quần áo và vải sợi) cho biết: “Tôi buôn bán hơn 10 năm, mỗi dịp Tết đến, tôi chuẩn bị hàng hóa nhiều hơn ngày thường. Năm nay, đời sống bà con khấm khá hơn nên lượng hàng hóa tập kết về chuẩn bị bán Tết tăng hơn 20% so năm trước”.

Ngoài bán lẻ quần áo, vải sợi cho người dân đến mua sắm tại chợ, các tiểu thương ở đây còn cung cấp một lượng lớn quần áo, vải sợi, thực phẩm, đặc sản biên giới… cho các chợ trong nội địa. Mặc dù còn 3 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhưng nhiều người đã đến mua sắm nhộn nhịp. Chị Lâm Ngọc Huyền (ngụ xã Quốc Thái, An Phú) vui vẻ cho biết: “Thời gian này rảnh rỗi nên mình tranh thủ mua đồ Tết cho gia đình. Mua sớm sẽ dễ chọn được những loại đồ đẹp hơn, giá cũng rẻ hơn so cận Tết”.

Có lẽ vui nhất là vào những ngày này, người dân vùng biên giới được đón các đoàn của tỉnh, các đoàn thể, doanh nghiệp... về thăm, tặng quà; tổ chức các đoàn khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho dân nghèo. Những phần quà mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành, cộng đồng xã hội hướng về cơ sở, chăm lo cho đồng bào khó khăn có điều kiện vui xuân đón Tết. Qua đó, đồng bào như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

HỮU HUYNH