Châu Thành thực hiện tốt chính sách dân tộc

22/07/2019 - 07:37

 - Những năm qua, các cấp, ngành huyện Châu Thành luôn quan tâm và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Châu Thành Đỗ Thi Lộc cho biết, huyện Châu Thành có 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer sinh sống hòa thuận, với trên 39.840 hộ. Trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 3,25% dân số, với 5.626 nhân khẩu. Những năm qua, huyện Châu Thành tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào DTTS, như: hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo trong đồng bào DTTS; chính sách vay vốn tín dụng, cho vay ưu đãi phát triển sản xuất - kinh doanh (SXKD) đối với hộ nghèo, hộ còn nhiều khó khăn trong vùng đồng bào DTTS; chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, người dân tộc; chính sách về công tác giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa; bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS…

5 năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Châu Thành triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù trên các lĩnh vực cho đồng bào dân tộc. Cụ thể, 5 năm qua, huyện đã hỗ trợ đất ở cho 68 hộ dân tộc, cất mới 57 căn nhà cho hộ dân tộc nghèo; hỗ trợ cho gần 360 hộ vay vốn SXKD, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình; cấp phát gần 2.750 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc nghèo… với tổng kinh phí thực hiện trên 11 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện Châu Thành còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, trong đó chú trọng đến việc giữ gìn và duy trì các lễ hội truyền thống của người dân tộc.

Thường xuyên tạo điều kiện để đồng bào dân tộc tham gia tập luyện và thi đấu giao lưu thể dục - thể thao

Đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Châu Thành thể hiện tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động. Đồng thời, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh ở tại địa bàn cư trú. Việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy phong tục tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của các dân tộc luôn được các cấp, ngành chú trọng thực hiện. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trên địa bàn huyện; đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc ngày một cải thiện rõ rệt, mức hưởng thụ văn hóa được nâng cao.

Huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc giao lưu, sinh hoạt văn hóa, trao đổi kinh nghiệm trong các hoạt động SXKD… Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu trong SXKD tại địa phương, vươn lên làm giàu chính đáng bằng ý chí và nghị lực của bản thân, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội… Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào DTTS ngày càng thay đổi, đời sống người dân cải thiện rõ rệt, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển. Điển hình trong số đó phải kể đến trường hợp của gia đình ông Mai Súng (ngụ ấp Hòa Tân, xã Hòa Bình Thạnh). Ông Mai Súng đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình nuôi bò vỗ béo, với mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Để phát triển mô hình bền vững trong tương lai, ông Mai Súng dự định sẽ đầu tư mở rộng thêm chuồng trại, nuôi thêm từ 6 đến 10 con bò nếu như được hỗ trợ vay thêm vốn.

Ông Mai Súng bộc bạch: “Nhờ chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để tôi tham gia lớp học nuôi bò, kỹ thuật nuôi bò và hỗ trợ vốn mua bò giống để nuôi, nên đời sống của gia đình tôi cải thiện hơn trước nhiều lắm. Nhờ nuôi bò mà gia đình tôi thoát nghèo, cất được căn nhà khang trang và có điều kiện lo cho con cháu ăn học đến nơi đến chốn”.

Thời gian tới, huyện Châu Thành tập trung thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào SXKD. Đồng thời, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU