Chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa bão

14/06/2019 - 07:43

 - Trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong 6 tháng đầu năm 2019, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, tập trung thực hiện tốt nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời và khắc phục khẩn trương.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, toàn tỉnh đã xảy ra 62 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài là 2.882m; 52 vụ mưa giông, lốc làm thiệt hại 278 căn nhà; ảnh hưởng do lũ 1.643 căn nhà… với tổng thiệt hại 195,3 tỷ đồng trong năm 2018. Do đó, các ngành, địa phương cần chủ động triển khai các phương án PCTT&TKCN hiệu quả, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi có tình huống xảy ra.

Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khi có thiên tai xảy ra

Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khi có thiên tai xảy ra

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm thông tin: “Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc kế hoạch PCTT&TKCN năm 2019. Trong đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực trong xã hội để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất về những thiệt hại do thiên tai gây ra”. Đặc biệt, các cấp, ngành phải xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai sát với tình hình thực tế, tổ chức huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Song song đó, cần có phương án di dời, sơ tán người trong trường hợp khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Do An Giang là 1 trong 2 tỉnh ở ĐBSCL (cùng với Kiên Giang) có địa hình đặc thù là đồng bằng và đồi núi, nên thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai như: lũ, giông lốc, sét, hạn kiệt, mưa trái mùa và sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch hàng năm. Vì vậy, việc chủ động thực hiện các kế hoạch, phương án PCTT&TKCN sẽ giúp các địa phương chủ động nguồn nhân lực, vật lực nhằm ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan.

Các địa phương cần chủ động phương án phòng, chống thiên tai mùa mưa bão

Các địa phương cần chủ động phương án phòng, chống thiên tai mùa mưa bão

Là thành phố vùng biên giới với tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, Châu Đốc đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCTT&TKCN trong năm 2019. Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Nguyễn Trung Thành cho biết: “Chúng tôi xác định các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong mùa mưa bão năm nay là thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác PCTT&TKCN. Trong đó, đề cao tinh thần chủ động theo phương châm “4 tại chỗ”, tập trung vào các địa phương có nguy cơ xảy ra thiên tai như: phường Vĩnh Nguơn, Vĩnh Mỹ, Châu Phú A… Đây là những nơi đã xuất hiện sạt lở trong năm 2018 và cần chủ động phương án ứng phó nếu có tình huống xảy ra, nhất là trong mùa mưa bão”.

Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Châu Đốc yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, đảm bảo thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến người dân nhằm sẵn sàng ứng phó nếu có thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, các xã, phường cần rà soát, thống kê các hộ dân sống ven kênh, rạch, các khu vực xung yếu thường xuyên bị sạt lở, bị ngập do lũ… để có kế hoạch di dời dài hạn và sơ tán người dân đến nơi an toàn trong mùa mưa bão.

Tại huyện miền núi Tịnh Biên, thiên tai đã làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp với diện tích hơn 1.247ha, ước tính giá trị gần 1,5 tỷ đồng trong năm 2018. Do đó, UBND huyện Tịnh Biên chủ động triển khai các phương án PCTT&TKCN trước thời điểm bắt đầu mùa mưa bão năm nay. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tịnh Biên yêu cầu các xã, thị trấn tích cực thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, tổ chức trực ban 24/24 giờ trong cao điểm mùa mưa bão, thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình diễn biến của thời tiết, tiếp nhận thông tin của Trung ương, tỉnh nhằm kịp thời ứng phó đối với tình huống thiên tai sắp xảy ra.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, mùa lũ năm 2019 sẽ có diễn biến phức tạp; lũ đầu vụ có thể gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp vụ hè thu. Lũ chính vụ thường vào tháng 9, 10 có thể gây ảnh hưởng lớn đến cơ sở vật chất hạ tầng. Ngoài ra, còn có thể gây chết người do đuối nước ở các địa phương ở những khu vực đầu nguồn, như: An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, TX. Tân Châu… Đồng thời, hiện tượng sạt lở, sụt lún đất ở các khu vực dọc theo sông Tiền, sông Hậu và các kênh, rạch lớn có thể làm thiệt hại về nhà cửa, đường giao thông, nhà máy, kho bãi và đất sản xuất của người dân. Do đó, các địa phương nói trên cần chủ động phương án xử lý, di dời người dân nhằm đảm bảo phản ứng nhanh, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

Dù mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu nhưng với những tác động mạnh từ biến đổi khí hậu sẽ khiến thời tiết diễn biến khó lường. Vì vậy, các địa phương và người dân cần chủ động nắm bắt thông tin thời tiết, chuẩn bị các phương án phòng tránh hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trước tình huống thiên tai có thể xảy ra trong năm nay.

THANH TIẾN