Chú trọng phát triển khoa học - công nghệ

19/11/2019 - 07:35

 - Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội được xem là một trong những động lực quan trọng, tạo ra bước đột phá cho sự phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn tỉnh An Giang, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực ĐBSCL.

Chú trọng phát triển khoa học - công nghệ

Sản phẩm xoài đạt chứng nhận VietGAP của An Giang

Nông nghiệp tiên phong

Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh An Giang (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định, phát triển nông nghiệp là nền tảng cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Từ đó, trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngành KHCN quan tâm chú trọng đầu tư và ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp. Giám đốc Sở KHCN Tầng Phú An cho biết, giai đoạn 2015-2019, trong số 100 đề tài, dự án KHCN được thực hiện thì có đến 50 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030, An Giang đã lựa chọn, xác định 8 nhóm sản phẩm thế mạnh và tiềm năng để phát triển theo hướng ƯDCNC, gồm: lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, dược liệu, nấm ăn - nấm dược liệu. Nhiều đề tài, dự án KHCN được phê duyệt thực hiện nhìn chung nhằm vào phát triển 8 nhóm sản phẩm này. Trong đó, chú trọng nghiên cứu phục tráng, chọn tạo, bảo tồn bộ giống lúa đặc sản địa phương (Nàng Nhen thơm, Jasmine 85 Châu Phú, nếp Phú Tân, lúa thơm Bảy Núi, lúa mùa nổi); khôi phục, phát triển các giống cây ăn trái địa phương (xoài 3 màu, xoài thơm Vĩnh Hòa, xoài Thanh ca đen, sầu riêng, bơ núi Cấm, vú sữa, mãng cầu ta, nhãn Mỹ Đức); xây dựng quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ Châu Âu và Mỹ cho các sản phẩm rau màu, lúa và cá…

Nhận thấy tầm quan trọng của các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản, ngành KHCN tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí xác định cơ sở khoa học và xây dựng mô hình mẫu về chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông sản có thế mạnh. Cụ thể, mô hình xây dựng chuỗi giá trị lúa jasmine 85 Châu Phú đã xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 50ha, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, gắn kết đơn vị thu mua trong và ngoài tỉnh. Đối với mô hình chuỗi liên kết xoài 3 màu, đã xây dựng vùng trồng gồm 500ha, chứng nhận VietGAP, định hướng xuất khẩu sang thị trường quốc tế và tiêu thụ nội địa. Với mô hình mẫu chuỗi giá trị rau màu (cà chua bi, xà lách, khổ qua, dưa leo), đã chứng nhận VietGAP với tổng diện tích trên 50ha và gắn kết với các công ty tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, định hướng mở rộng lên TP. Hồ Chí Minh. Đối với mô hình chuỗi lươn và cá lóc, được chủ động từ khâu kỹ thuật ương nuôi con giống, thương phẩm cho đến chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng (chà bông, khô, lạp xưởng), chú trọng sản xuất hướng theo chuẩn VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ gắn kết thị trường tiêu thụ trong tỉnh, khu vực ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh.

Tăng cường liên kết vùng

Trong sản xuất nông nghiệp, cùng với đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, cơ giới hóa các khâu canh tác, công nghệ bảo quản sau thu hoạch được An Giang quan tâm đầu tư như: công nghệ bảo quản lạnh cho xoài 3 màu, công nghệ sấy năng lượng mặt trời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đối tượng dược liệu (đinh lăng, cà gai leo, chùm ngây) và nông, lâm, thủy sản (khô cá tra phồng, bánh phồng, ớt, chuối, nấm); quy trình chế biến và bảo quản các loại măng sấy từ măng mạnh tông; quy trình chế biến các sản phẩm ăn liền như: lạp xưởng, khô, chà bông từ cá lóc, dê…

Ông Tầng Phú An cho biết, hàng năm, Sở KHCN phối hợp các tổ chức KHCN, viện, trường trong và ngoài tỉnh xây dựng và đề xuất UBND tỉnh đặt hàng các nhiệm vụ KHCN cấp vùng, cấp quốc gia nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Trong đó có những dự án mang tính ứng dụng cao như: nghiên cứu lai tạo, tuyển chọn các giống lúa thích nghi biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL (hạn, lũ, mặn); nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp (trích ly gamma-oryzanol và dầu chứa gamma-oryzanol từ nguồn phụ phẩm cám gạo); nghiên cứu phát triển chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ mỡ cá tra và cá basa, nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề nuôi và chế biến cá da trơn ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ…

Trong xét duyệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN, An Giang quan tâm ưu tiên tính liên vùng, liên ngành của các đề xuất, tính phổ biến của các đối tượng nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm có tiềm năng xây dựng vùng nguyên liệu trên quy mô lớn, dễ áp dụng cơ giới hóa, ƯDCNC, áp dụng tiêu chuẩn canh tác đồng nhất để tạo ra các sản phẩm đồng nhất, đồng chất, đáp ứng sản lượng và chất lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn 2015-2019, An Giang đã phê duyệt thực hiện đề tài nghiên cứu chọn tạo giống xoài đặc hữu phục vụ xuất khẩu; nghiên cứu xây dựng quy trình ương cá tra nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng con giống quy mô hàng hóa; nghiên cứu kỹ thuật sản xuất nhân tạo và nuôi thương phẩm cá heo, sặc rằn, rô biển, cá sửu, trèn bầu và rô phi; xây dựng thành công quy trình phòng và trị bệnh trên lươn và cá lóc; xây dựng thành công cơ sở dữ liệu KHCN phục vụ dự báo, cảnh báo rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu trong canh tác nông nghiệp. Đây là các kết quả có thể chia sẻ, ứng dụng cho các tỉnh trong vùng ĐBSCL. “Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trước hết là nông nghiệp, ngành KHCN An Giang tiếp tục tăng cường gắn kết hợp tác khu vực để tiến tới xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản An Giang và khu vực ĐBSCL” - ông An nhấn mạnh.

Trong định hướng phát triển KHCN, An Giang sẽ tăng cường hợp tác công - tư nhằm huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào thực hiện nhiệm vụ KHCN, tụ hợp mọi nguồn lực giải quyết những vấn đề KHCN trung và dài hạn mang tính chiến lược then chốt, cốt lõi của ngành, địa phương.

NGÔ CHUẨN