Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững của ASEAN

20/06/2019 - 19:23

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok, Thái Lan nhằm góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN.

Day manh quan he doi tac vi su phat trien ben vung cua ASEAN hinh anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34, tại Thái Lan. (Ảnh: Thống Nhất-TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ dẫn đầu đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 từ ngày 22 đến 23-6 tại Bangkok, Thái Lan.

Kết nối, mở rộng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác

Là Chủ tịch ASEAN 2019, Thái Lan tích cực triển khai Gói sáng kiến toàn diện bền vững gồm: xây dựng Tầm nhìn của các lãnh đạo ASEAN về đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững; thành lập các trung tâm về phát triển bền vững, phúc lợi xã hội, tuổi già năng động và sáng tạo; xác định 2019 là Năm Văn hóa ASEAN; lập mạng lưới các hiệp hội ASEAN tại các nước thành viên; tiếp tục thúc đẩy tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2030; tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về rác thải nhựa, chống buôn bán động vật hoang dã...

Hiện nay, ASEAN bước vào giai đoạn giữa kỳ triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với kết quả đáng khích lệ. ASEAN đã và đang triển khai 258-290 dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh, 154-157 ưu tiên của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế; đã thực hiện 954 hành động của 109 biện pháp chiến lược của Kế hoạch tổng thể Văn hóa-Xã hội.

Tăng trưởng kinh tế các nước thành viên tiếp tục ổn định, dự kiến GDP 2019 đạt 4,9%, tổng GDP ước 3000 tỷ USD.

Tuy vậy, ASEAN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ cả bên trong và bên ngoài như mức độ gắn kết, hiệu quả hoạt động của bộ máy còn hạn chế, tình hình nội bộ một số nước thành viên còn phức tạp cùng với tác động của cạnh tranh, lôi kéo của các nước lớn, khả năng giải quyết các vấn đề tác động đến khu vực cũng như đem lại lợi ích thiết thực cho người dân...

Với chủ đề năm 2019 “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững," ASEAN tập trung thúc đẩy tính bền vững trên cả ba trụ cột Cộng đồng và mở rộng quan hệ với các đối tác vì mục tiêu này.

Chương trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 sẽ bao gồm các hoạt động chính, tiếp xúc giữa các Lãnh đạo ASEAN với đại diện của Đại Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA); Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC); Lãnh đạo trẻ ASEAN; khai mạc và Phiên họp hẹp Hội nghị Cấp cao ASEAN 34; phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 34 họp báo về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 34...

Hội nghị sẽ thảo luận về tình hình xây dựng Cộng đồng ASEAN; quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Dự kiến các vấn đề sẽ được lãnh đạo các nước ASEAN trao đổi tại Hội nghị gồm: triển khai hợp tác theo tinh thần chủ đề và các ưu tiên của năm 2019, tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế, kết nối, mở rộng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, trong đó tranh thủ hợp tác với các đối tác nhằm thích ứng với công nghiệp 4.0, ứng phó các thách thức như biến đổi khí hậu, khủng bố, tội phạm công nghệ cao, gắn kết các nỗ lực kết nối của ASEAN với các đối tác, củng cố vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN trong cấu trúc khu vực...

Ngoài ra, Hội nghị sẽ thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Dự kiến, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 sẽ xem xét và thông qua một số văn kiện quan trọng làm cơ sở cho hợp tác ASEAN trong thời gian tới như: Tuyên bố tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về Quan hệ đối tác vì sự bền vững; tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; tuyên bố Cấp cao về năm Văn hóa ASEAN 2019; tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển...

Thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN

Trải qua 52 năm hình thành và phát triển (8-8-1967-8-8-2019), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã không ngừng phát triển, đóng góp hiệu quả cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định, phồn vinh của châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Từ năm nước thành viên ban đầu (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) đến nay, ASEAN đã gồm đầy đủ 10 nước Đông Nam Á, trở thành một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, hoạt động trên cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế là Hiến chương ASEAN.

Đặc biệt, ASEAN đã có sự chuyển mình mang tính bước ngoặt khi chính thức hình thành Cộng đồng từ ngày 31-12-2015 với đầy đủ ba trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

ASEAN hiện nay là một thực thể kinh tế ổn định, năng động, có khả năng thích ứng cao trước các chuyển biến của khu vực và thế giới. Với hơn 625 triệu dân, Cộng đồng ASEAN là một thị trường giàu tiềm năng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương…

ASEAN giữ vai trò kết nối quan trọng ở khu vực góp phần xây dựng, định hình cấu trúc khu vực thông qua các tiến trình, cơ chế, diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF) cũng như hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia...

Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, tích cực vào các hoạt động của ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên rà soát, triển khai các cam kết về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư.

Việt Nam tích cực, chủ động phối hợp với các nước ASEAN xây dựng và thông qua các kế hoạch hành động chiến lược trong các lĩnh vực chuyên ngành nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2025.

Việt Nam luôn là nước đạt tỷ lệ cao nhất khi thực hiện các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN...

Day manh quan he doi tac vi su phat trien ben vung cua ASEAN hinh anh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ tư, từ trái sang) và các trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 33 và các hội nghị cấp cao liên quan, chiều 13-11-2018, tại Singapore. (Ảnh: Thống Nhất-TTXVN)

Với vai trò điều phối hợp tác kinh tế ASEAN-Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại hai bên, được Liên minh châu Âu và ASEAN đánh giá cao.

Việt Nam cũng đảm nhiệm tốt vai trò chủ trì đàm phán Hiệp định thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định đối tác toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và chủ tọa nhóm đầu tư, đại diện cho ASEAN trong đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực đề xuất sáng kiến, đóng góp vào những tiến triển trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân...

Trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Quan hệ Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) vào tháng 3-2019, hoàn tất và ký kết Hiệp định Hợp tác Kỹ thuật ASEAN-Nhật Bản tháng 5-2019, và triển khai nhiều hoạt động quan trọng nhằm kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản, trong đó có việc tổ chức thành công Ngày ASEAN-Nhật Bản tại Hà Nội ngày 4-6-2019 vừa qua...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 nhằm góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác của ASEAN, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực; nâng cao hình ảnh Việt Nam tiếp tục đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các nội dung hợp tác khu vực, từ đó bảo vệ hiệu quả các lợi ích của Việt Nam.

Theo NGUYỄN HỒNG ĐIỆP (Vietnam+)