Đi gây sự bị đánh thương vong

09/01/2018 - 08:00

 - Không quen biết, không mâu thuẫn nhưng khi có rượu, bia trong người, Nguyễn Chí Linh (sinh năm (SN) 1994) cùng Lê Hữu Sị (SN 1989, ngụ ấp Cầu Dây, xã Thạnh Mỹ Tây) “hăng máu” đón đường nhóm Lê Văn Lý (SN 1995, ngụ ấp Long An, xã Ô Long Vĩ, Châu Phú) gây sự đánh nhau. Hậu quả, Linh tử vong, Sị nhập viện điều trị.

Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 15-4-2017, sau khi dự tiệc sinh nhật tại quán nhậu “H.M” (ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh, Châu Phú), Lý cùng 3 anh, em ruột: Lê Văn Sĩ (SN 1991), Lê Văn Hữu (SN 1993), Lê Văn Trí (SN 1997) và Phạm Minh Tài (SN 2000), Nguyễn Hoàng Phúc (SN 1999, ngụ xã Ô Long Vĩ, Châu Phú) cùng nhau điều khiển xe môtô về nhà. Lúc này, sau khi uống rượu, Linh nhớ lại chuyện cũ nên rủ Sị tìm những người gây sự với mình trước đó để đánh trả thù.

Sau đó, Linh điều khiển xe môtô chở Sị chạy đến đầu cầu kênh 12 (ấp Cầu Dây, xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú) phát hiện Tài đang điều khiển xe môtô chở Lý cùng nhóm đang qua cầu. Do không xác định được người nên Linh nghĩ nhóm của Lý là những người trước đó gây sự với mình.

Linh điều khiển xe xuống dốc cầu, dừng xe ngang đường chặn nhóm của Lý và nói với Sị: “Mấy thằng này đánh con”, rồi Linh và Sị xông đến dùng tay đánh nhau với nhóm Lý. Trong lúc 2 bên xô xát, Lý lấy 1 cây dao bấm trong túi quần đâm trúng 1 nhát vào bụng của Linh và nhiều nhát vào người của Sị…

Được mọi người can ngăn, Lý cùng cả nhóm lấy xe bỏ chạy về nhà. Sau đó, được mẹ ruột đưa đến Công an xã Ô Long Vĩ đầu thú và giao nộp hung khí gây án. Riêng Linh và Sị được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh (TP. Châu Đốc) cấp cứu nhưng Linh đã tử vong trên đường, Sị được nhập viện điều trị đến ngày 22-4-2017 thì xuất viện, bị thương tật 23%. Theo kết quả giám định, Linh chết do sốc mất máu cấp vì vết thương thủng tỉnh mạch chủ bụng. 

Tại cơ quan điều tra, các thành viên nhóm Lý trình bày không quen biết hay mâu thuẫn gì với Linh và Sị nhưng bất ngờ bị chặn đường chửi tục, xông đến đánh nên đã chống trả. Là 1 trong 2 người đi phía sau cùng và bị chặn đường, Sĩ cho biết khi được Hữu chở đến gần cầu kênh 12 thì thấy sáng đèn phía trước nên sợ các em bị tai nạn giao thông, vì vậy kêu Hữu chạy nhanh đến xem.

Khi đến biển báo thì dừng xe lại, cả 2 chưa kịp xuống thì bị 1 thanh niên dáng người cao to, không mặc áo xông đến dùng tay đánh Hữu và kéo vật té xuống kênh. Khi bị đánh Hữu có nói: “Mày buông tao ra, tao với mày không quen” thì người thanh niên này đáp trả: “Bữa nay tao giết mày luôn”. Sau một lúc đánh nhau, cả 2 ngưng đánh và bỏ chạy. Khi về đến nhà mới biết Lý dùng dao bấm đâm họ bị thương. 

Đứng sau vành móng ngựa, bị cáo Lý cúi đầu thừa nhận hành vi sai phạm. Bị cáo cho rằng do thấy các anh, em bị Linh và Sị đánh nên bị cáo muốn giải vây cho họ nhưng không ngờ làm Linh tử vong.

Hội đồng xét xử nhận định: “Hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nên cần có mức án nghiêm mới đủ tác dụng giáo dục, răn đe bị cáo, góp phần phòng ngừa chung cho xã hội. Tuy nhiên, sự việc xảy ra có phần lỗi của nạn nhân khi chủ động gây sự trước. Riêng các đối tượng tham gia đánh nhau làm mất trật tự xã hội, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, vì vậy cần công khai giáo dục tại tòa để nâng cao nhận thức”.

Kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Lý 15 năm tù về tội “Giết người” và buộc bị cáo bồi thường cho gia đình người bị hại chi phí mai táng và tổn thất tinh thần với số tiền 140 triệu đồng. Từ vụ án cho thấy, những vụ việc đau lòng xảy ra không chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn mà trong đó có sự thiếu nhận thức trong cách ứng xử, đặc biệt sự giáo dục của gia đình đối với thanh, thiếu niên hiện nay.  

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG