Hạ tầng giao thông tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế vùng ĐBSCL

26/05/2019 - 07:15

 - Sự hình thành của hàng loạt công trình giao thông trọng điểm như đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2… không chỉ tạo thuận lợi cho thông thương hàng hoá, nông sản của khu vực ĐBSCL mà còn là đòn bẩy cho thu hút đầu tư. Việc vận hành các công trình này ghi nhận mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nhà tài trợ, doanh nghiệp và cả người dân.

Nhiều tin vui

Tin vui mới nhất cho giao thông vùng ĐBSCL vào ngày 19-5 vừa qua, cầu Vàm Cống, công trình nối liền huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), với quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) đã chính thức thông xe. Dự án được đầu tư với tổng vốn hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây là công trình quan trọng được người dân vùng ĐBSCL kỳ vọng trong nhiều năm qua. Việc đưa cầu Vàm Cống đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho “vựa lúa lớn nhất cả nước”, đặc biệt ở các tỉnh, như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ.

Cầu Vàm Cống tạo kết nối giao thông cho ĐBSCL

Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi cho việc thông thương hàng hoá giữa ĐBSCL đi các tỉnh thành trong cả nước, trước đó, vào ngày 19-3-2019, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xử lý vướng mắc đối với dự án BOT đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thủ tướng yêu cầu sử dụng vốn ngân sách tháo gỡ khó khăn cho dự án để thời gian thu phí không quá 15 năm. Cao tốc phải được thông tuyến vào cuối năm 2020, đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL.

Thủ tướng đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước quản lý từ Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) sang UBND tỉnh Tiền Giang. Theo đó, tỉnh được quyết định điều chỉnh dự án, chỉ đạo doanh nghiệp rà soát phương án tài chính trên cơ sở thay đổi cơ chế hỗ trợ quyền thu phí tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương sang ngân sách nhà nước.

Lãnh đạo Bộ GT-VT cho biết, sắp tới sẽ phối hợp các địa phương vùng ĐBSCL hoàn thiện các dự án đang triển khai dở dang, khởi công các dự án đã được phê duyệt như nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ 57 (đoạn Mỏ Cày - Vĩnh Long), Quốc lộ 30 (đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự), Quốc lộ 53 (đoạn Trà Vinh - Long Toàn), đồng thời tăng cường mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, tuyến tránh TP. Long Xuyên, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ…

Cùng với đó, Bộ GT-VT đang hoàn thiện các thủ tục về điều chỉnh quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và huy động nguồn lực để có thể triển khai đầu tư một số dự án khác trong giai đoạn 2021 – 2025, gồm: xây dựng cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2, cảng biển Trần Đề; nâng cấp tuyến N2 đoạn Đức Hòa - Cao Lãnh, xây dựng tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, tuyến An Hữu - Cao Lãnh, tuyến tránh TP. Cà Mau; mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ TX. Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đến Sóc Trăng; nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ còn nhỏ hẹp như: 53, 54, 60, 61B, 62, 91, 91C, tuyến N1, nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2)…

Cần huy động thêm các nguồn lực

Theo Bộ GT-VT, nếu cân đối đủ nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các công trình trọng điểm nêu trên, chắc chắn sẽ thay đổi đáng kể diện mạo kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL, đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải, lưu thông trong vùng và liên vùng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực.

Tuy nhiên, hiện nay nhìn tổng thể, kết cấu hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL vẫn chưa đồng bộ. Nhiều tuyến đường huyết mạch đang xuống cấp; đầu tư một số tuyến bị gián đoạn, dừng do thiếu vốn; các quốc lộ, tỉnh lộ thiếu kết nối, nơi có đường thì cầu yếu, đường làm từng đoạn nên thông chỗ này lại tắc chỗ kia; quy hoạch không liên tục và thường xuyên thay đổi. Đây chính là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến hệ thống giao thông ở ĐBSCL vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Nói về những vướng mắc trong phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL hiện nay, một chuyên gia cho rằng, thật ra không khó nếu chúng ta có cơ chế đột phá. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, khó tìm vốn ODA, thì thay đổi cơ chế sẽ khơi thông được nguồn lực, đó là đầu tư hạ tầng theo hình thức đối tác công - tư (PPP) nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho Chính phủ.

Tuy nhiên, để làm được điều này cần có luật PPP, tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận và phát triển hạ tầng giao thông. Trước bài toán khó "vốn ít, nhu cầu đầu tư lớn", theo tiến sĩ - chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp, cần đa dạng hóa các phương thức đầu tư, xã hội hóa đầu tư bằng các dự án BOT, BTO, PPP. "Quan trọng hơn, cần giải bài toán vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên bằng những giải pháp khả thi, đầu tư tập trung, đồng bộ; bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình giao thông, tăng cường giao thông liên kết vùng và kết nối các phương thức giao thông đường thủy, bộ, hàng hải, hàng không và phát triển đường sắt trong vùng" - ông Hiệp nhìn nhận. 

Theo các chuyên gia kinh tế, việc khơi thông nguồn lực từ khu vực tư nhân sẽ giảm đáng kể áp lực về vốn cho ngân sách nhà nước, rút ngắn thời gian hoàn thiện hệ thống hạ tầng toàn khu vực ĐBSCL. Đơn cử, dự án cải tạo Quốc lộ 91 nằm trong hợp phần phát triển hạ tầng ĐBSCL, đấu nối giữa TP. Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang, An Giang và đi Campuchia. Đoạn Km14+000 - Km50+889 trên Quốc lộ 91 đã được nâng cấp bề rộng mặt đường lên 11m (trước khi nâng cấp đường nhỏ hẹp chỉ khoảng 5-6m), được đầu tư theo hình thức BOT với tổng kinh phí gần 1.589 tỷ đồng. Công trình hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho việc liên thông giữa các tỉnh trong vùng. Hay như dự án BOT đường 830 (tỉnh Long An) có chiều dài toàn tuyến gần 24km, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.079 tỷ đồng. Công trình trên là trục giao thông huyết mạch cho phát triển kinh tế- xã hội khu vực giáp ranh TP. Hồ Chí Minh, nối liền khu vực phát triển công nghiệp nặng với Quốc lộ 1A và khu cảng Long An theo đường Bến Lức - Tân Tập đang được đầu tư.

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN