Hiệu quả từ chương trình “Công tác xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”

29/05/2019 - 07:38

 - Nhằm nâng cao công tác xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho cán bộ công tác xã hội Việt Nam, 14 năm qua, Trường Đại học An Giang phối hợp Trường Đại học West Virginia (Hoa Kỳ) đã liên tục tổ chức các đợt tập huấn về kiến thức, kỹ năng để cán bộ, nhân viên ngành công tác xã hội dễ dàng tiếp xúc và giải quyết những vấn nạn xã hội, chăm lo tốt hơn sức khỏe cộng đồng.

Hàng năm, cứ đến dịp hè, các giảng viên, sinh viên Trường Đại học West Virginia (Hoa Kỳ) trực tiếp sang Việt Nam để tham gia các buổi tập huấn, hội thảo nhằm trao đổi thông tin, cung cấp kiến thức, phương pháp và trải nghiệm thực tế về công tác xã hội và sức khỏe cộng đồng. Cùng tham gia các hoạt động là các  giảng viên, sinh viên trường, cán bộ và nhân viên công tác xã hội của các cơ quan, nhân viên y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế trong tỉnh. Đánh giá về kết quả đạt được từ chương trình hợp tác thời gian qua, PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết: “Chúng tôi gửi lời tri ân đến GS. NewField, GS. Susan NewField, ThS. James Kim đã gắn bó và đồng hành cùng hội thảo trong 14 năm qua, đồng thời gửi lời cảm ơn đến Tổ chức Pacific Links Foundation (Vòng tay Thái Bình) đã tài trợ cho hội thảo. Chính chương trình hợp tác đầy ý nghĩa giữa 2 trường đã mở ra cơ hội cho hàng ngàn người được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng từ các chuyên gia để có thể thúc đẩy hoạt động công tác xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho các địa phương trong tỉnh. Chẳng hạn, với kỳ hội thảo lần thứ 14 này, các đại biểu tham dự sẽ được các chuyên gia chia sẻ những chuyên đề rất thiết thực như: tham vấn bạo hành trong mối quan hệ tình yêu và hôn nhân, đơn giản hóa mô hình tham vấn trị liệu tập trung vào giải pháp, hỗ trợ vượt qua mâu thuẫn nội tại, phương pháp phỏng vấn tạo động lực, những kỹ thuật trị liệu sang chấn tâm lý, tạo sự thay đổi bằng kịch nghệ, làm việc với nạn nhân bị mua bán trong 24 giờ đầu tiên và các kỹ năng giải quyết tình huống bạo lực học đường”.

Hiệu quả từ chương trình “Công tác xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”

Chương trình trao tài trợ chi phí đi lại cho học viên

Phó Giám đốc Chương trình “Công tác xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” Lương Hồng Loan chia sẻ: “Thực tế cho thấy, ngành công tác xã hội tại Việt Nam còn yếu, chưa được quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên làm tốt công việc. Họ ít được tiếp cận những kiến thức, phương pháp giải quyết các vấn nạn xã hội, những kỹ năng điều trị, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phần đông làm việc là nhờ kinh nghiệm và cái tâm cống hiến cho cộng đồng. Bản thân tôi cũng vậy. Thế nhưng, từ những kinh nghiệm tích lũy trong ngành suốt 22 năm kết hợp với những kiến thức được trao truyền từ các giáo sư, tiến sĩ nước ngoài, giảng viên Tổ chức Hagar International Việt Nam, tôi đã tạo nên sự khác biệt cho bản thân. Từ đó, tôi đã linh hoạt áp dụng những kiến thức học được vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả làm việc của bản thân trong ngành công tác xã hội”.

Dù thời gian dành cho các buổi tập huấn chỉ kéo dài vài tuần nhưng các giáo sư, chuyên gia đã nỗ lực để thay đổi quan điểm của cán bộ, nhân viên y tế về ngành công tác xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đó là một ngành nghề đầy ý nghĩa, luôn ý thức trách nhiệm chia sẻ và giúp đỡ cộng đồng. Chính sự kiên trì, sự chia sẻ thẩm thấu trong cộng đồng các vấn đề xã hội sẽ sớm được giải quyết và chuyển biến theo hướng tích cực. Chẳng hạn, với tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, các nhân viên xã hội sẽ được tiếp cận chuyên đề “Bạo lực học đường-chương trình phòng ngừa và can thiệp toàn diện”. Người tham dự sẽ được tìm hiểu về tính chất, hình thái và nguyên do của bạo lực học đường; nhận diện các yếu tố và yêu cầu của một chương trình phòng, chống bạo lực học đường; hiệu quả và vai trò, trách nhiệm, công việc của mỗi thành viên trong cộng đồng học đường; được chia sẻ về những kỹ năng căn bản trong việc chủ động tham gia kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường toàn diện và lập kế hoạch đánh giá đầu và cuối để đo lường mức độ thành công của chương trình.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG