Hướng đến thị trường lúa, gạo bền vững

01/03/2019 - 09:18

 - Dù biết nhu cầu gạo thế giới vẫn tăng, dù biết tình trạng lúa đông xuân rớt giá sau Tết chỉ là tạm thời nhưng nếu không tìm được thị trường ổn định cho lúa, gạo và không đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị thì tình trạng giá lúa “nhảy múa” sẽ còn diễn ra.

Cẩn trọng thị trường Trung Quốc

Là một doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc, có nhiều năm kinh nghiệm làm ăn với đối tác Trung Quốc nhưng lãnh đạo Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương (xã Nhơn Mỹ, Chợ Mới) vẫn nhận thấy rằng, đây là thị trường bấp bênh, không ổn định. “Nói chung làm ăn với thị trường Trung Quốc rất khó khăn. Khi giá lúa lên thì đối tác Trung Quốc tăng đơn hàng, việc hợp tác rất tốt đẹp nhưng khi giá lúa xuống thì có vấn đề, gặp vướng mắc ngay. Những năm qua, chúng tôi không coi thị trường Trung Quốc là chủ yếu, mà tăng cường tìm kiếm những thị trường mới. Do vậy, dù sau Tết, xuất khẩu sang Trung Quốc bị ngưng trệ, thị trường lúa, gạo gặp khó khăn nhưng nhờ có đơn hàng ở thị trường khác, công ty chúng tôi vẫn thu mua lúa bình thường. Với diện tích đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, công ty đã chốt giá xong và đảm bảo thu mua hết lúa của nông dân theo hợp đồng” - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương Võ Thị Phỉ nhấn mạnh.

Thực tế nhiều năm qua, chính sách nhập khẩu của Trung Quốc thường xuyên thay đổi đột ngột, không thông báo trước nên gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Điển hình gần nhất là thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 khoảng 16 ngày, chỉ sau 1 cuộc họp, Chính phủ Trung Quốc bất ngờ thông báo tạm dừng mọi hoạt động nhập khẩu gạo vào nước này, khiến những doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, Thái Lan “trở tay không kịp”. Giá lúa đông xuân sớm ở ĐBSCL lập tức phản ứng tiêu cực với thông tin này, bởi Trung Quốc vẫn đang đứng đầu trong “Top 5” thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, chiếm đến 40% lượng gạo xuất khẩu năm 2018 (tương đương 2,3 triệu tấn). So vụ đông xuân năm trước, giá lúa có thời điểm giảm hơn 1.000 đồng/kg khiến nông dân rất lo lắng. “Việc giá lúa sụt giảm tạm thời là do hiệu ứng từ việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu gạo. Có thể khẳng định, vụ đông xuân năm nay không phải là “được mùa, rớt giá” bởi tổng sản lượng lúa không tăng, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn sáng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư phân tích.

Tìm giải pháp bền vững

Theo các chuyên gia, không phải vì khó mà “bỏ” thị trường Trung Quốc, bởi với dân số đông, nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường này vẫn rất lớn. Tuy nhiên, cần phải thay đổi phương thức tiếp cận theo hướng bền vững hơn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, Trung Quốc đang kiểm soát chặt biên mậu và điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với gạo. Các bộ, ngành Trung ương sẽ làm việc với Cục Hải quan Trung Quốc cũng như các cơ quan liên quan để thống nhất về tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu. Về phía doanh nghiệp, cần hướng xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, đồng thời nghiên cứu tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường này, ký hợp đồng chặt chẽ với đối tác để tránh rủi ro.

Theo ông Trần Anh Thư, cùng với chính sách thu mua gạo tạm trữ quốc gia, Chính phủ chỉ đạo các tham tán thương mại Việt Nam ở các nước tăng cường thông tin, xúc tiến thị trường mới. Những động thái này đang giúp giá lúa ở ĐBSCL khởi sắc trở lại. Ghi nhận những ngày gần đây, giá lúa thường và lúa thơm, hạt dài đều tăng từ 200 - 300 đồng/kg so thời điểm sau Tết, lên mức từ bằng đến cao hơn trước Tết. “Dù Philippines và Indonesia tăng cường trồng lúa nhưng hệ thống canh tác của những quốc gia này chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa nên năng suất không cao. Hiện nay, Philippines đã gỡ bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu gạo, ưu đãi thuế suất nhập khẩu cho các nước trong khối ASEAN. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của Indonesia tăng đột biến 40%. Các quốc gia Châu Phi (Nam Phi, Algieri), Trung Đông đều tăng nhu cầu nhập khẩu gạo… Nếu hiệu ứng từ Trung Quốc tốt hơn, giá lúa sẽ sớm tăng trở lại” - ông Thư đánh giá.

Để ổn định lúa, gạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu các doanh nghiệp không phụ thuộc thì trường Trung Quốc, tổ chức thu mua bình thường, giao Sở Công thương nắm lại kế hoạch thu mua của các doanh nghiệp đến ngày 30-4-2019. Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao làm việc với các doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với nông dân, hợp tác xã, đảm bảo giữ nguyên giá thu mua theo hợp đồng, có báo cáo danh sách doanh nghiệp, sản lượng cụ thể về UBND tỉnh. Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang, cần thực hiện tốt chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, làm việc cụ thể với các ngân hàng thương mại về hỗ trợ tín dụng, tăng hạn mức cho vay, ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp thu mua gạo… “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc ngay với UBND các huyện về kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2019. Đối với các giống lúa tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Trung Quốc, chỉ tổ chức sản xuất khi có hợp đồng bao tiêu, cần ưu tiên các giống lúa có thị trường tiềm năng khác”- ông Thư yêu cầu.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN