Khiếu nại của ông Nghiêm Quốc Thái không cơ sở xem xét, giải quyết

24/07/2018 - 07:25

 - Vụ khiếu nại đòi quyền sử dụng đất (QSDĐ) này liên quan đến 3 gia đình, nhưng có nguồn gốc là đất công thổ. Hiện, vụ việc đã được hòa giải, UBND huyện, tỉnh, Tòa án nhân dân (TAND) xem xét, giải quyết.

Trình bày vụ việc đến Báo An Giang, ông Nghiêm Quốc Thái (sinh năm 1951, ngụ ấp An Hòa, xã Châu Lăng, Tri Tôn) cho biết: “Bà nội tôi (Nghiêm Thị Keo) thừa hưởng phần đất có diện tích ngang 25m, dài 38m, tọa lạc ấp An Lộc (nay ấp An Hòa). Trước năm 1975, vợ, chồng ông Danh Lân, bà Thị Việt được cho sử dụng 1 nền nhà cất ở và quản lý dùm phần đất này. Sau đó, ông Lân sang nhượng diện tích 13m x 29m cho bà Ngô Thị Ngà, nhưng người mua không trả tiền hết nên bị khiếu nại, khởi kiện ra TA.

Bản án dân sự số 265 ngày 30-9-1995 của TAND tỉnh An Giang buộc bà Ngà trả cho ông Danh Lân số tiền 3,4 triệu đồng. Số đất 12m x 38m còn lại là của gia đình tôi, sau đó lần lượt lại bị 2 người con bà Ngà chiếm sử dụng trái phép. Năm 1999, ông Danh Lân khiếu nại vụ việc. Địa phương buộc ông Đào Văn Son (con bà Ngà) bồi hoàn 25 triệu đồng, nhưng ông Son không thực hiện do không có khả năng thanh toán.

Toàn bộ sự việc trên, mãi đến năm 2003, cha, mẹ tôi (Nghiêm Minh Đức, La Kim Anh) mới biết và làm đơn khiếu nại. Dù ông, bà cầu cứu nhiều nơi nhưng vẫn không kết quả. Tôi tiếp tục khiếu nại, đã cung cấp, chứng minh về nguồn gốc đất, về chủ quyền do vợ, chồng ông Danh Lân xác thực, nhưng địa phương vẫn không xem xét, giải quyết. Tôi làm đơn này mong quý báo, cơ quan thẩm quyền làm sáng tỏ sự việc, trả lại phần đất của ông, cha tôi bị chiếm dụng trái phép từ nhiều năm qua”.

Khiếu nại của ông Nghiêm Quốc Thái không cơ sở xem xét, giải quyết

Ông Nghiêm Quốc Thái

Phản bác về việc này, gia đình bà Ngô Thị Ngà thông tin: “Việc tranh chấp trên đã kết thúc từ rất lâu, với nhiều lần xem xét, giải quyết của các cấp chính quyền, ra đến TAND. Hiện phần đất do gia đình chúng tôi quản lý, sử dụng ổn định, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và có sang nhượng qua lại. Việc ông Danh Lân xác thực về nguồn gốc đất, đã tranh chấp hộ liên quan, nhận bồi thường, bồi hoàn cho thấy ông Lân tiếm quyền dù không phải là chủ SDĐ. Qua đó, ông Thái nên tìm người này, người thừa kế khiếu nại đòi lại QSDĐ, chớ không phải tranh chấp với gia đình chúng tôi”.

Một cán bộ công tác lâu năm ở xã Châu Lăng, tham gia xem xét vụ việc này, cho biết: “Diện tích đất tranh chấp được xác định 330m2, nhưng có lúc lại thành 377m2, do có biến động về vị trí đất thay đổi. Nguồn gốc là đất công thổ, lúc xảy ra khiếu nại chưa cấp GCNQSDĐ cho hộ nào. Khoảng năm 1979, xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, số đất này đã trải qua nhiều chủ sử dụng, nhưng lâu nhất, được mọi người biết đến là các ông: Châu Ét, Danh Lân, Đào Văn Kiên.

Đến năm 2004, khi địa phương hòa giải, giải quyết khiếu nại đòi QSDĐ lại biết thêm hộ bà La Kim Anh (mẹ ông Thái, dâu bà Nghiêm Thị Keo). Tranh chấp này đã được xem xét, giải quyết từ lâu và phần lớn “người trong cuộc” không còn tại thế, hay bỏ đi nơi khác ở. Để truy cứu lại sự việc này, trước hết đòi hỏi người khiếu nại phải có chứng cứ thuyết phục, đầy đủ cơ sở về nguồn gốc, quá trình SDĐ”.

Chủ tịch UBND xã Châu Lăng Phạm Minh Hiền cho biết: “Vụ việc đã được hòa giải, xem xét, giải quyết từ lâu, liên quan đến 3 hộ, gồm: ông Danh Lân, ông Đào Văn Kiên, bà La Kim Anh. Nguồn gốc đất này là của ông Châu Ét, đến năm 1946 sang nhượng cho ông Danh Lân cất nhà ở. Năm 1979, ông Danh Lân về Hậu Giang sinh sống, đất do Xí nghiệp Cơ khí huyện Tri Tôn quản lý và cho gia đình ông Đào Văn Kiên cất nhà ở.

Quá trình sử dụng, ông Kiên cho con là Đào Văn Son quản lý, sử dụng 330m2 đất. Đến năm 1993, ông Danh Lân trở về đòi lại đất, địa phương hòa giải nhưng không thành. Đầu năm 1994, chúng tôi thông báo: buộc gia đình ông Kiên thương lượng thỏa thuận, nhằm trả thành quả lao động cho ông Danh Lân giai đoạn 1946-1979.

Vụ việc được TAND 2 cấp phán quyết, buộc ông Kiên bồi thường tổng cộng gần 3,9 triệu đồng. Đến năm 1999, UBND xã Châu Lăng tiếp tục hòa giải về đất này giữa ông Danh Lân với người SDĐ là ông Đào Văn Son, con ông Kiên. Sau đó, ông Danh Lân không còn ở địa phương. Đến năm 2004, bà La Kim Anh (mẹ ông Nghiêm Quốc Thái) làm đơn khiếu nại cho rằng, ông Son sử dụng 330m2 trong số đất 742,9m2 của gia đình bà.

Năm 2006, UBND huyện Tri Tôn bác yêu cầu đòi lại đất của bà Anh, giữ nguyên trạng cho ông Son. Bà Anh tiếp tục khiếu nại. Xem xét sự việc vào năm 2010, UBND tỉnh An Giang không chấp nhận yêu cầu bà Anh do không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có quá trình SDĐ”.

Bài, ảnh: N.R