Không có cơ sở để xem xét, giải quyết yêu cầu tạm hoãn thi hành án

10/09/2018 - 02:49

 - Ông Phạm Văn Nghét (sinh năm 1963, ngụ tổ 6, ấp Khánh Phát, xã Khánh Hòa, Châu Phú) gửi đơn đến Báo An Giang cho rằng, Tòa án nhân dân (TAND) huyện “xử ép”, TAND tỉnh An Giang giữ nguyên bản án sơ thẩm. Ông làm đơn xin giám đốc thẩm vụ việc, yêu cầu xin tạm hoãn thi hành bản án.

Theo ông Nghét, cha, mẹ ông (Trần Văn Năm, Nguyễn Thị Mười) có 7 người con (2 người đã chết). Sinh thời, ông, bà đầu tư ghe, tàu vận chuyển hoa màu cho bạn hàng ở các chợ. Năm 1994, ông, bà mua ghe trọng tải 35 tấn giao cho ông Nghét quản lý, chăm lo công việc. Việc bắt mối khách hàng và nguồn tiền thu được do người chị Trần Thị Ngọc Ánh và em trai Phạm Văn Thanh đảm nhiệm.

Thấy làm ăn được, đến năm 2000, ông, bà đóng thêm chiếc ghe trọng tải 100 tấn để ông Thanh đứng tên. Việc vận chuyển, bốc vác… do ông Nghét lo; còn sổ sách, giao dịch và nguồn tiền giao hết cho bà Ánh quản lý. Năm 2001, họ bán chiếc ghe trọng tải 35 tấn. Năm 2005, ông Thanh có vợ nên ra ở riêng.

Ông Phạm Văn Nghét trình bày vụ việc

“Năm 2006, thấy tôi cực khổ, cha, mẹ định cho tôi hoặc bán chiếc ghe giá 150 triệu đồng nhưng Thanh và chị Ánh không đồng ý. Sau đó, thống nhất bán chiếc ghe với giá 320 triệu đồng. Tôi đồng ý, nhưng xin trả 3 lần, từ năm 2007-2009. Sau đó, tôi không nhận được chiếc ghe, do cách tính giá vàng chênh lệch và các khoản khác. họ cho rằng, tôi đã thiếu nợ đến 200 triệu đồng. Năm 2009, cha tôi qua đời; năm sau mẹ tôi cũng qua đời.

Năm 2011, chị Ánh mượn vợ, chồng tôi 2 cây vàng 24kara để trả nợ, nhưng nay lại nói không mượn. Năm 2012, trong ngày giỗ của cha, chị Ánh nói tôi thiếu nợ, đưa tờ giấy yêu cầu tôi phải ký nhận. Do chị la lớn, cự cãi om sòm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình, buộc lòng tôi ký tên để cho qua sự việc. Nào ngờ, sau đó chị Ánh nói tôi thiếu nợ đến 5,5 cây vàng 24kara và khởi kiện ra tòa án”- ông Nghét bức xúc.

Về việc này, bà Trần Thị Ngọc Ánh cho biết: “Ông Nghét mượn tôi 5,5 cây vàng 24Kara để trả tiền mua ghe. Việc mượn tiền này có làm giấy nhận nợ ngày 5-7-2012, có nhiều người chứng kiến. Nghét hứa sẽ trả dần, sau đó vẫn không chịu trả, cứ né tránh. Vì tình máu mủ, tôi đã tự nguyện cho một phần tiền, nhưng Nghét vẫn không trả, buộc tôi phải khiếu nại đến UBND xã Khánh Hòa và khởi kiện đến TAND huyện”. Đại diện UBND xã Khánh Hòa cho biết: “Tranh chấp của gia đình ông Nghét, bà Ánh xảy ra khá lâu, liên quan đến tiền nợ và quyền sử dụng đất. Vụ việc đã được Ban Nhân dân ấp Khánh Phát tổ chức hòa giải nhiều lần; sau đó đã được TAND huyện Châu Phú xét xử. Ông Nghét tiếp tục khiếu nại. Riêng về phần đất để thi hành bản án hiện tọa lạc tại xã Mỹ Đức (Châu Phú)”.

Ngày 25-7-2017, TAND huyện Châu Phú mở phiên tòa xét xử sơ thẩm về “Tranh chấp hợp đồng tài sản”. Kết quả, buộc vợ, chồng ông Phạm Văn Nghét, bà Lê Thị Vân có nghĩa vụ trả 200 triệu đồng cho bà Ánh; không chấp nhận phản tố của vợ, chồng ông Nghét về việc đòi bà Trần Thị Ngọc Ánh trả 2 cây vàng 24Kara. Không đồng tình phán quyết trên, vợ, chồng ông Nghét làm đơn kháng cáo bản án. Qua phiên xét xử phúc thẩm ngày 27-11-2017, TAND tỉnh An Giang quyết định: không chấp nhận yêu cầu của vợ chồng ông Nghét, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 121/2017/DSST ngày 25-7-2017 của TAND huyện Châu Phú do không có tình tiết mới, không có chứng cứ mới nào thuyết phục chứng minh về yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Châu Phú cho biết: “Thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật, chúng tôi đã phân công chấp hành viên tống đạt quyết định thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án của người bị thi hành án và đối tượng có liên quan theo quy định. Ông Nghét đưa ra nhiều lý do không thi hành bản án, đặc biệt làm đơn xin tạm hoãn thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật. Về việc này, chúng tôi đã thông tin rằng, yêu cầu của ông không có cơ sở xem xét, giải quyết. Chúng tôi đã thông báo về việc cưỡng chế thi hành án đối với đương sự và thực hiện các bước theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Trần Ngọc Phước, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang nhận định: “Bản án Dân sự phúc thẩm số 183/2017/DS-PT ngày 27-11-2017 của TAND tỉnh An Giang có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Việc vợ, chồng ông làm đơn xin xem xét giám đốc thẩm là quyền cá nhân, nhưng ông phải thực hiện nghĩa vụ thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật. Còn việc ông xin tạm hoãn thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật là trái quy định, không có cơ để xem xét, giải quyết”.

Bài, ảnh: N.R