Không đồng ý cách giải quyết quyền lợi bảo hiểm tiền vay

09/01/2018 - 08:00

 - Chị Nguyễn Thị Phúc Thùy (sinh năm 1980, ngụ ấp Sa Tô, xã Khánh Bình, An Phú) gửi đơn đến Báo An Giang, phản ánh việc Công ty bảo hiểm (BH) từ chối chi trả quyền lợi BH cho chồng chị, dù gia đình thực hiện đầy đủ yêu cầu do công ty đưa ra.

Theo trình bày của chị Thùy, ngày 1-12-2016, anh Võ Văn Nguyên (sinh năm 1978, chồng chị Thùy) làm hồ sơ vay tiền tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh thị trấn Long Bình (An Phú). Cán bộ ngân hàng làm hợp đồng mua BH tiền vay cho anh tại Công ty Cổ phần BH Ngân hàng Nông nghiệp, chi nhánh ABIC Cần Thơ, mức phí 975.000 đồng/năm.

Ngày 19-6-2017, anh Nguyên bị tai nạn giao thông, bị gãy kín 1/3 giữa xương đùi trái; dập não thái dương phải, đỉnh trái, tụ máu dưới màng cứng thái dương phải. Anh được phẫu thuật kết hợp xương bằng đinh nội tủy, gần 1 tháng sau xuất viện.

Liên hệ công ty BH, anh được hướng dẫn đi giám định tỷ lệ thương tật, nếu từ 21% trở lên mới được giải quyết quyền lợi BH. Quá trình đi giám định, vừa tốn công sức lẫn thời gian và tiền bạc. Ngày 27-9-2017, Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh cho kết quả: anh bị tổn thương cơ thể 41%.

Thương tật của anh Nguyên sau vụ tai nạn

Thương tật của anh Nguyên sau vụ tai nạn

Sau khi gia đình nộp đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu, ngày 31-10-2017, công ty BH có văn bản trả lời, đưa ra một số căn cứ trong quy tắc BH bảo an tín dụng của công ty. Cụ thể, Khoản 1.19, Điều 1 quy định: “Thương tật bộ phận vĩnh viễn” là tình trạng người được BH bị thương tật do tai nạn, làm cho người được BH bị mất, cắt, cụt, liệt, khuyết một phần hay toàn bộ bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể và vĩnh viễn không có khả năng phục hồi hoàn toàn chức năng hoạt động của bộ phận đó.

Các trường hợp thương tật bộ phận vĩnh viễn được liệt kê tại bảng tỷ lệ trả tiền BH thương tật bộ phận vĩnh viễn đính kèm quy tắc BH. Khoản 6.3, Điều 6 quy định: “Trừ những trường hợp loại trừ trách nhiệm BH đã quy định, ABIC nhận BH trong trường hợp người được BH bị thương tật bộ phận vĩnh viễn từ 21% trở lên do tai nạn từ thời điểm phát sinh trách nhiệm BH và trong thời hạn BH hoặc trong vòng 6 tháng kể từ ngày xảy ra tai nạn”.

Theo bảng tỷ lệ trả tiền BH thương tật bộ phận vĩnh viễn, trường hợp của anh Nguyên tương ứng tỷ lệ 10%. Xem xét các căn cứ trên thời điểm hiện tại, ABIC cho rằng, trường hợp thương tật của anh Nguyên không thuộc phạm vi BH của công ty theo hợp đồng BH bảo an tín dụng đã ký.

Đồng thời, khuyến cáo: trong thời gian đến hết ngày 19-12-2017 (6 tháng kể từ ngày xảy ra sự kiện BH), người được BH cần tiếp tục khám, điều trị và theo dõi vết thương do hậu quả vụ tai nạn; thông báo và cung cấp chứng từ bổ sung cho ABIC (nếu có) đối với những diễn biến và hậu quả phát sinh theo chiều hướng xấu của vết thương so với hiện tại. Qua đó, công ty có thể tiếp tục khả năng xem xét giải quyết quyền lợi BH.

Không đồng ý với trả lời trên, chị Thùy bức xúc: “Khi chồng tôi mua BH, bên bán không đưa ra nhiều điều khoản như thế. Đến khi có chuyện, họ lại yêu cầu đủ điều. Nếu ngay từ đầu, họ trả lời trước là chồng tôi không đủ điều kiện được thanh toán BH, thì chúng tôi cũng không thắc mắc, yêu cầu gì. Đằng này, họ lại hướng dẫn làm nhiều thủ tục, cuối cùng lại trả lời “không được”.

Mặt khác, tỷ lệ thương tật của chồng tôi được giám định là 41%, nhưng công ty lại kết luận chỉ 10%, nghĩa là sao? Tôi đề nghị phía BH xem xét lại cách giải quyết. Nếu không thể bồi thường thì họ phải hoàn trả lại chi phí giám định thương tật cho chồng tôi”. Phóng viên đã liên hệ Công ty ABIC, tìm hiểu vụ việc. Khi nhận được thông tin chính thức phản hồi của công ty, Báo An Giang sẽ tiếp tục phản ánh.

Luật sư Trần Ngọc Phước (Đoàn Luật sư tỉnh) nhận định: “Về hình thức, BH tiền vay là loại hình BH tự nguyện để dự trù trường hợp người vay mất khả năng thanh toán do một số trường hợp bất khả kháng xảy cho bên cho vay (thường là các tổ chức tín dụng). Nhưng xét về bản chất, hợp đồng BH này vô hình chung là BH bắt buộc theo yêu cầu của bên thứ 3. Người vay không mấy ai biết hoặc hiểu BH tiền vay là gì, tổ chức nào thực hiện.

Không loại trừ trường hợp người vay không đồng ý mua BH tiền vay, bên cho vay có thể không xác lập hợp đồng tín dụng với người vay; khi phát hiện có một số nội dung của hợp đồng BH bất lợi cho mình hoặc có những điều khoản chưa hợp lý, người vay đề nghị chỉnh sửa nội dung hợp đồng mà bên BH không đồng ý; hoặc người vay không đồng ý với nội dung của hợp đồng BH đã được soạn thảo sẵn, công ty BH từ chối xác lập hợp đồng BH thì tổ chức tín dụng sẽ không xác lập hợp đồng tín dụng với bên vay.

Anh Nguyên với công ty BH đã phát sinh hợp đồng dân sự về loại hình BH tiền vay, nên căn cứ vào những điều khoản của hợp đồng, những thỏa thuận ghi nhận trong hợp đồng để ràng buộc trách nhiệm của các bên. Khi có một trong những điều kiện dẫn đến trách nhiệm của bên BH xảy ra, bên BH hoặc bên được BH có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bồi thường BH theo hợp đồng.

Anh Nguyên (hoặc người giám hộ, người đại diện theo ủy quyền) có quyền khởi kiện công ty BH, yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Cần lưu ý rằng, quyền khởi kiện là quyền của cá nhân, tổ chức. Yêu cầu khởi kiện có được chấp thuận hoặc được chấp thuận ở mức độ nào thì tòa án sẽ xem xét toàn bộ nội dung vụ kiện, các chứng cứ do các bên cung cấp”.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

 

Liên kết hữu ích