Kỳ vọng xuất khẩu gạo năm 2019

14/02/2019 - 07:40

 - Năm 2018, đánh dấu lĩnh vực xuất khẩu gạo của cả nước gặt hái được nhiều thành công, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, tăng 16,1% so năm 2017. Gạo xuất khẩu mạnh sang các nước, giá lúa luôn ở mức cao nên nhiều nông dân rất phấn khởi.

Cầu tăng

Với đà tăng trưởng này, hy vọng năm 2019, tình hình xuất khẩu gạo cả nước nói chung, của tỉnh nói riêng sẽ tiếp tục khởi sắc, bởi theo dự báo, thương mại gạo toàn cầu sẽ tăng ít nhất 7 - 8% so với năm 2018. Nhu cầu tăng, chất lượng sản phẩm tăng, điều đó sẽ tạo nhiều thuận lợi để ngành lúa, gạo hoàn thành kế hoạch đề ra. “Năm 2018 là năm nông dân trong tỉnh rất phấn khởi, bởi giá lúa trong suốt 3 vụ đều ở mức cao. Thời điểm tháng 10, 11 của năm 2018, giá lúa IR 50404 được thương lái đến ruộng mua với giá 5.800 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong 10 năm qua. Với mức giá này, nông dân rất phấn khởi bởi đây là 1 năm được mùa lẫn trúng giá…”- ông Nguyễn Văn Vệ (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) phấn khởi.

Bốc dỡ gạo tại Cảng Mỹ Thới (Công ty Cổ phần Cảng An Giang) những ngày đầu năm 2019. Ảnh: MINH HIỂN

Gia đình ông Vệ chuyên làm nghề nông. Năm qua, bắt được tín hiệu của thị trường, ngoài 4ha đất ở xã Tân Thạnh (TX. Tân Châu), ông thuê thêm 5ha đất ở xã Vĩnh Bình (Châu Thành) để sản xuất lúa. Năm qua, nhờ đưa khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, triệt để áp dụng các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “ 1 phải, 5 giảm” nên ruộng lúa nhà ông năng suất cao, chi phí giảm đến mức thấp nhất, lợi nhuận 30 triệu đồng/ha. Năm 2018, bình quân mỗi vụ lúa, ông thu nhập gần 300 triệu đồng. “Tôi theo dõi trên các phương tiện truyền thông thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh mua gạo. Lượng gạo xuất vào thị trường này chiếm đến 24% thị phần xuất của cả nước. Từ thông tin đó, tôi quyết định thuê thêm đất để làm. Điều may mắn là tôi đã đón đúng thị trường nên cả năm 2018, lúa luôn có giá cao, thu nhập của gia đình ổn định”- ông Vệ thông tin.

Nhìn lại hoạt động xuất khẩu gạo năm 2018 cho thấy, Trung Quốc là thị trường lớn của Việt Nam, kế đến là Indonesia, Philippines, Malaysia, Ghana, Bờ Biển Ngà và một số thị trường khác. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2019, do nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới tăng mạnh, USDA đã đưa ra dự báo, trong năm 2019, Ấn Độ sẽ xuất khẩu khoảng 13 triệu tấn gạo, Thái Lan (11 triệu tấn), Việt Nam (7 triệu tấn), Pakistan (4,3 triệu tấn), Myanmar (3 triệu tấn), Mỹ (3,2 triệu tấn), Trung Quốc (1,9 triệu tấn) và Campuchia (1,3 triệu tấn)…

Chất lượng tăng

Thị trường nhập khẩu gạo tăng, đi kèm với đó là chất lượng gạo được nâng lên, từ đó kim ngạch lẫn giá trị tăng lên đáng kể. Cụ thể, giá xuất bình quân trong 10 tháng của năm 2018 đạt 503 USD/tấn. Gạo Việt bước đầu thâm nhập vào những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU). Cụ thể, năm 2018, giá gạo thơm (Jasmine) xuất khẩu đạt 575 USD/tấn, cao nhất trong các chủng loại gạo xuất khẩu. Tiếp đến là gạo Japonica (gạo Nhật) 526 USD/tấn. Gạo 5% tấm có giá xuất 410 USD/tấn, cao hơn gạo của Ấn Độ (372 USD/tấn) và tương đương Thái Lan (411 USD/tấn). Cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần lượng gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng từ chất lượng trung bình lên mức cao; giảm dần gạo trắng có chất lượng thấp. Hiện tại, loại gạo trắng có chất lượng thấp chiếm tỷ trọng khoảng 2% trong tổng lượng gạo xuất khẩu. “Chúng tôi luôn đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, điều này có nghĩa là từ khâu chọn giống để gieo sạ, bà con  chọn các giống lúa có chất lượng gạo tốt, được thương lái đặt mua. Phương châm sản xuất hiện nay là “chú trọng chất lượng hơn là chạy theo số lượng”, vì vậy sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt trên thị trường...” - bà Lê Thị Lan (xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn) chia sẻ.

Nông dân chở lúa ra bờ kênh để cân cho thương lái

Tiếp đà tăng trưởng của năm 2018, năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra định hướng trên lĩnh vực xuất khẩu gạo là nâng cao tỷ trọng gạo có phẩm cấp cao, hạ thấp tỷ trọng gạo có phẩm cấp thấp. Cụ thể, từ nay đến năm 2020, trong các đơn hàng xuất khẩu, gạo trắng thường sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 25%; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 40%; gạo nếp khoảng 25%. Với việc tiếp tục nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam, hy vọng trong năm 2019, xuất khẩu gạo của cả nước nói chung, của tỉnh nói riêng sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

“Năm 2019, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào xuất khẩu gạo bởi tình hình biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra gay gắt trên phạm vi toàn cầu, điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa, gạo tại các quốc gia trên thế giới. Đơn cử như Philippines, do phải thường xuyên đối mặt với thời tiết bất lợi, quốc gia này hàng năm mở hầu bao, nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo. Đây là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 4 trên thế giới. Các quốc gia còn lại không khác hơn, chính từ đó mà gạo Việt Nam sẽ tiếp tục chinh phục người tiêu dùng trên thế giới” - bà Trần Lệ Quyên (thương lái xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc) khẳng định.

 

MINH HIỂN