Làm thế nào trị khô miệng, hôi miệng?

08/09/2019 - 10:51

Khô miệng là tình trạng không có đủ nước bọt để giữ miệng ẩm ướt. Khô miệng có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng và tâm lý, gây khó khăn trong ăn uống, nói, thay đổi vị giác, nhiễm khuẩn răng miệng

Nguyên nhân gây khô miệng

Các rối loạn do khô miệng nặng dần theo lứa tuổi (có khoảng 20-25% người cao tuổi bị  mắc chứng bệnh khô miệng), nước bọt quánh đặc, ít hơn, niêm mạc miệng trở nên đỏ, khô, lưỡi bóng, gây đau đớn khi ăn. Ngạt mũi là một trong những  nguyên nhân thường gặp gây khô miệng. Các trường hợp bị viêm mũi xoang dị ứng, thường xuyên bị tắc mũi, ngạt mũi, phải thở bằng miệng, cũng dễ dẫn tới khô miệng... 

Có nhiều loại thuốc khiến người sử dụng bị khô miệng như: các thuốc chống tăng huyết áp, trầm cảm, thuốc giảm đau, an thần, lợi tiểu, kháng histamin... Thuốc điều trị chứng mất ngủ, cũng có khi làm cơ thể bị mất nước và cảm giác khô miệng. Các nguyên nhân gây khô miệng như: Uống quá nhiều rượu vào buổi tối. Tư thế nằm ngủ, thở bằng miệng khi ngủ. Một số bệnh lý như bệnh Parkinson, tai biến mạch máu não, bệnh Alzheimer, trầm cảm,... có thể gây khô miệng.

Khô miệng, hôi miệng có trị khỏi được không?

Hôi miệng do nhiều nguyên nhân gây ra và là yếu tố khiến người bệnh mất tự tin trong sinh hoạt, giao tiếp. Có thể khắc phục chứng khô miệng, hôi miệng bằng cách giữ vệ sinh răng miệng: Làm sạch thức ăn còn giắt trong kẽ răng bằng chỉ nha khoa hàng ngày, nạo sạch lưỡi vào buổi sáng. Dùng kem đánh răng có chứa fluoride, súc miệng nước muối nhiều lần trong ngày (khi bị khô miệng), hoặc súc miệng hàng ngày bằng các dung dịch có chứa cetylpyridinium chloride hoặc chlorhexidine.

Một số các thành phần khác như chlorine dioxide và kẽm trung hòa rất tốt một số mùi hôi do vi khuẩn gây ra. Uống nước thường xuyên để giữ ẩm miệng. Cần điều trị dứt điểm các bệnh liên quan như tai mũi họng, răng miệng, hầu họng, tuyến nước bọt, hạn chế thở bằng miệng sẽ bớt khô miệng, hôi miệng. Nếu khô miệng do dùng  thuốc, cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cách hạn chế tác dụng phụ. Nếu khô miệng, hôi miệng do mắc một số bệnh lý đòi hỏi người bệnh cần phải thay đổi lối sống và đi khám bác sĩ thường xuyên.

Điều trị tích cực các bệnh lý ở các cơ quan khác: bệnh gan, thận, bệnh đái tháo đường, hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản... Nên hạn chế sử dụng nước uống và thực phẩm có hàm lượng đường cao, không uống rượu, không hút thuốc...

Theo GIA BẢO (An ninh thủ đô)