Ma trận thị trường kính cường lực

30/09/2019 - 19:39

Mấy ngày qua, dư luận tại TP. Long Xuyên vẫn còn bàn tán về vụ một mảng kính cường lực trang trí mặt tiền có diện tích 2m2 đột ngột bị vỡ và rơi từ tầng 6 ở độ cao khoảng 20m xuống đường, khiến mọi người một phen hoảng sợ. Rất may không có ai bị thương trong sự cố này.

Vụ việc xảy ra tại tòa nhà làm việc cao 7 tầng (chi nhánh 2) của một tập đoàn lớn ở miền Tây được đưa vào sử dụng chưa đầy năm. Đây là công trình có kiến trúc văn minh theo mô phỏng của khu “vườn treo Babylon” thật hoàn hảo. Sự kết hợp hài hòa giữa các mảnh ghép của kính và cây xanh tạo điểm nhấn ấn tượng nổi bật cho công trình tại trung tâm thành phố.

Kính cường lực được sử dụng phổ biến trong xây dựng dân dụng, thậm chí được xem là một trong những vật liệu không thể thiếu. Các chi tiết của căn nhà được sử dụng nhiều bằng kính cường lực như: cửa kính phòng khách, cửa sổ, vách kính ngăn, vách kính cầu thang… Các tòa nhà văn phòng cao tầng còn sử dụng kính cường lực để làm vách ngăn, tường chịu lực, mảng trang trí lộ thiên. Tuy nhiên, chất lượng của sản phẩm này lâu nay dường như bị thả nổi.

Không gian xanh trong phòng họp ở tòa nhà làm việc

Không gian xanh trong phòng họp ở tòa nhà làm việc

Thị trường kính cường lực rất đa dạng và phong phú về chủng loại. Tùy theo độ dày (5,8,10,12,15 hoặc 19mm) và nguồn gốc xuất xứ sẽ có giá chênh lệch khá lớn, thấp nhất là 400.000 đồng/m2 và cao nhất là 2.450.000 đồng/m2. Các phụ kiện kèm theo như: bản lề, kẹp vuông trên và dưới, kẹp chữ L, tay nắm inox... có giá từ 650.000 đồng đến hơn 1.000.000 đồng/bộ.

Cùng một loại kính, cùng chung thương hiệu và độ dày, nhưng tại sao mỗi nơi báo một giá khác nhau? Lý giải về điều này, một giám đốc công ty xây dựng, chuyên thi công lắp đặt cửa kính tại quận 9 (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Mỗi nơi có một cách bán khác nhau, nếu giá kính rẻ thì phụ kiện sẽ đắt và ngược lại”. Chưa kể, mỗi nơi có một chế độ hậu mãi khác nhau, nhiều công ty báo giá cao nhưng đi kèm gói giảm giá khi lắp đặt và bảo hành. Còn những chỗ bán giá thấp thì khách hàng phải tự thuê đội lắp đặt ở ngoài, trong quá trình thực hiện có xảy ra vấn đề gì thì họ không phải chịu trách nhiệm.

Có hay không kính cường lực tự nổ?

Theo KTS Đỗ Quang Khải (Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh), nguyên nhân dẫn đến hiện tượng kính cường lực tự nổ đến từ vấn đề chất lượng. Ông Khải lý giải tóm tắt, Việt Nam phải nhập khẩu “phôi kính” để tôi thành kính cường lực. Quá trình gia cường kính tại các lò “nung” không đạt chuẩn cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng “non” của kính cường lực. Cụ thể, trong quá trình tôi ở nhiệt độ cao (650-700oC) sẽ làm cấu trúc thể tích của hạt NIS còn sót lại trong kính thay đổi. Đường kính hạt NIS lúc này khoảng 60-70 micromet. Quá trình làm mát nhanh (đốt cháy giai đoạn để tiết kiệm chi phí) không đủ thời gian cần thiết để hạt NIS đạt đến mức cấu trúc bền vững ở mức nhiệt độ thấp trước khi thủy tinh trở nên đông cứng. Do đó, các phân tử của hạt NIS tiếp tục biến đổi ở các mức nhiệt độ khác nhau bên trong tấm kính, dẫn đến sự tăng giảm về thể tích của hạt NIS là hiện tượng gây ra kính nổ vỡ tự nhiên.

Tòa nhà làm việc có kiến trúc rất hiện đại, tinh tế

Tòa nhà làm việc có kiến trúc rất hiện đại, tinh tế

Trở lại với vụ việc vỡ kính cường lực ở tòa nhà làm việc 7 tầng tại Long Xuyên, đến nay nhà thầu thi công tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng về vụ việc đáng tiếc này, khiến dư luận có sự nhận diện sai lệch về hình ảnh của một công trình kiến trúc đẹp. Còn tập đoàn lớn thì đang lo lắng không biết đơn vị thi công, tương lai phải thay mảng kính này như thế nào cho đúng với thiết kế?

 “Kiến trúc xanh - mang thiên nhiên vào nhà” đang là xu hướng sống hiện đại trên thế giới, giúp chúng ta cân bằng và đạt năng suất hiệu quả cao trong công việc. Tòa nhà làm việc của tập đoàn lớn ở miền Tây là mô hình mẫu hội đủ các tiêu chí đó và được nhân rộng nhiều nơi. Thế nhưng, chỉ vì chất lượng vật liệu kính cường lực nằm ngoài sự kiểm soát mà ngay cả đơn vị thi công cũng hoàn toàn bị động nên độ thẩm mỹ và nét tinh tế của một công trình cũng không còn như bản vẽ ban đầu.

Tình trạng kính kém chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tràn lan trên thị trường là chỉ một phần. Còn tảng băng chìm của thị trường kính cường lực còn nằm ở câu hỏi lớn về tiêu chuẩn nào để các cơ quan chức năng có thể kiểm định thiết bị ở các lò “tôi” phôi kính thành kính cường lực “non” cũng không hề là chuyện nhỏ… Tất cả đang là ẩn số chờ nhà chức trách giải mã.                                           

NGƯỜI ĐƯA TIN

 

Liên kết hữu ích