Mang xuân ấm đến đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

31/01/2019 - 07:44

 - Ở vùng Bảy Núi, khi đất trời chuẩn bị chuyển sang xuân, tiết trời đêm lạnh hơn miệt đồng bằng. Đối với trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nơi đây, những chiếc đầm xinh, những bộ quần áo mới để hòa cùng niềm vui Tết Việt còn quý hơn bất cứ món quà nào. Bởi vậy, “Cửa hàng 0 đồng” mang đến cho các em niềm vui khó tả.

Tuổi trẻ chung lòng

Việc mang quà xuân đến với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nghèo, gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành thông lệ hàng năm đối với tuổi trẻ ở các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Cảng An Giang, Công ty Bảo Việt An Giang, Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang, VNPT chi nhánh An Giang, Công ty Cổ phần XNK Nông sản thực phẩm An Giang (Afiex), các đơn vị kinh doanh ôtô trên địa bàn An Giang… Đồng hành cùng tuổi trẻ các doanh nghiệp là đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh. Mỗi bạn trẻ cùng chung tay đóng góp một ít, ai có quà góp quà, ai có tiền góp tiền, ai vận động được thêm món gì thì góp vô.

Tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách

Năm nay, không chỉ mang quà Tết mà tuổi trẻ Công an tỉnh còn đem theo một chiếc xe tải lớn để chở đồ, phục vụ cho mô hình “Cửa hàng 0 đồng” ở ấp Mỹ Á- nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống nhất xã Núi Voi (Tịnh Biên). Cửa hàng là nơi tập hợp nhiều mặt hàng thiết yếu như: quần, áo, giày, dép, túi xách, ví, ba lô, cặp, nón, thú nhồi bông, đồ chơi trẻ em... “Không chỉ có quần, áo, vật dụng cũ mà còn có nhiều món còn đồ mới hoàn toàn. Có những bộ quần, áo, đồ chơi Tết cho bé trai, bộ đầm cho bé gái được những người quen gửi trực tiếp từ nước ngoài về. Đối với cặp xách, ba lô, thú nhồi bông, đồ chơi trẻ em... phần lớn được mua mới để các cháu thiếu nhi có được món quà Tết ý nghĩa, vừa có thể sử dụng khi đến trường. Chúng tôi xác định, nếu mỗi đơn vị Đoàn cơ sở tự gom góp để đi trao tặng thì số lượng quà không nhiều, giá trị không cao. Do vậy, nhiều năm nay, một nhóm các đơn vị đã liên kết lại, đoàn viên, thanh niên tự nguyện đóng góp và chọn những nơi đồng bào còn thật sự khó khăn để cùng nhau đi trao quà. Các hoạt động tình nguyện thường tổ chức dịp hè hoặc mừng xuân” - Nguyễn Thị Thùy Dung, đại diện Đoàn cơ sở Công ty Bảo Việt An Giang chia sẻ.

Lan tỏa niềm vui Tết

50 phần quà Tết, gồm: bánh, kẹo, mứt, trà, cà phê, nước ngọt… với trị giá khoảng 300.000 đồng/phần đã được đoàn viên, thanh niên các doanh nghiệp, đơn vị trao tận tay cho các hộ nghèo, hộ Khmer khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn xã Núi Voi. Tuy nhiên, nội dung được chờ đợi nhiều nhất chính là “Cửa hàng 0 đồng”- nơi tập hợp những món đồ có thể là thừa, “chật chỗ” ở những gia đình khá giả, no ấm nhưng lại là quà quý đối với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer còn nhiều khó khăn.

“Cửa hàng 0 đồng” thu hút rất đông người dân đến chọn lựa

Ngay từ sáng sớm, khi sương núi còn giăng mờ ảo, rất đông bà con Khmer ở ấp Mỹ Á đã tập hợp ở đầu phum, chứng kiến những bạn trẻ tải đồ xuống cửa hàng dã chiến - nơi bãi đất trống được trải bạt, dựng khung rạp, treo móc máng đồ như cửa hàng thực thụ. Để mang “Cửa hàng 0 đồng” đến với Núi Voi, một xã vùng sâu của huyện Tịnh Biên, tuổi trẻ các đơn vị đã gom góp, vận động, mua sắm quần, áo, giày, dép, túi xách, ví, ba lô, cặp, nón, thú nhồi bông, đồ chơi trẻ em... từ vài tuần trước đó. Buổi tối trước ngày trao tặng, quà được chất trước lên xe tải, các bạn trẻ thì xuất phát từ TP. Long Xuyên khi trời chưa kịp sáng, tranh thủ “gặm” bánh mì ngay trên xe để mang niềm vui Tết sớm nhất đến với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Khi tấm bảng hiệu “Cửa hàng 0 đồng” được giăng lên ở ở đầu phum Khmer, bà con nơi đây vừa mừng, vừa bỡ ngỡ. Mừng vì những món hàng hấp dẫn được bày biện bắt mắt bên trong, bỡ ngỡ vì thấy kiểu cửa hàng rất mới lạ: đồ đẹp nhưng “bán” giá… 0 đồng. “Tết nào, con cũng mơ có chiếc đầm đẹp nhưng mẹ chưa có tiền mua. Đến Tết Nguyên đán, tụi con cũng tập hợp vui chơi như Tết cổ truyền Khmer nên rất thích có đồ đẹp chơi Tết. Con cùng mẹ đến đây, lựa được chiếc đầm vừa ý cho con và vài bộ đồ cho 2 đứa em nhỏ. Con còn được các cô chú tặng đồ chơi, bánh, kẹo và sinh hoạt rất vui”- Néang Kim Nương (11 tuổi, ngụ ấp Mỹ Á) phấn khởi khi ướm thử chiếc đầm vừa chọn lên người.

Đó cũng là niềm vui chung của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer cũng như tuổi trẻ các đơn vị.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN