Màu cờ đỏ thắm giữa biển xanh - Kỳ 2: Giọt mồ hôi mặn như nước biển

27/04/2018 - 06:41

 - Dẫu đã biết cán bộ, chiến sĩ (CBCS), người dân làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo rất gian khổ, khó khăn nhưng khi trực tiếp chứng kiến, thăm hỏi và trải nghiệm tại Trường Sa, chúng tôi càng khâm phục, quý mến họ, bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước. Ở nơi đó, giọt mồ hôi của họ từng ngày rơi trên mặt biển, mặn chát nhưng lại nóng hổi, thấm đượm tấm lòng yêu quê hương Tổ quốc mãnh liệt.

Tại các đảo, đơn vị đóng quân độc lập trong bối cảnh xa đất liền, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nên phần nào ảnh hưởng đến đời sống, kết quả thực hiện nhiệm vụ của quân - dân trên đảo. Trung tá Lê Văn Hưởng, Chỉ huy trưởng đảo An Bang cho biết: “Quán triệt, giáo dục sâu sắc nghị quyết của cấp trên, tình hình nhiệm vụ nên đơn vị thường xuyên định hướng tư tưởng và xây dựng ý chí quyết tâm cao cho CBCS và Nhân dân trên đảo. Tất cả đều có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc với tinh thần “Còn người, còn đảo, còn chủ quyền quốc gia”. Cuối năm 2017, bão Tembin quá mạnh, làm thay đổi toàn bộ cảnh quan môi trường mà các thế hệ CBCS dày công gầy dựng. Nhưng với tinh thần đoàn kết, quân và dân trên đảo đã động viên nhau, nhanh chóng bắt tay vào xây dựng, khôi phục sản xuất, che chắn chuồng trại, vườn rau; tu sửa, khắc phục hệ thống điện, nước… Cùng với sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, huyện và cả nước, Tết cổ truyền diễn ra ấm áp trên đảo”.

Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn 146 kiêm Chủ tịch UBND huyện Trường Sa khẳng định: “Trường Sa vì cả nước và cả nước vì Trường Sa” - đó chính là tinh thần chung. Những năm qua, cuộc sống quân và dân Trường Sa rất vất vả, phải hứng chịu nhiều cơn bão lớn khắc nghiệt. Cơn bão số 16 năm 2017 tràn qua toàn bộ cụm đảo phía Nam của thị trấn Trường Sa làm đời sống của mọi người bị ảnh hưởng. Tỉnh nhanh chóng hỗ trợ cho quân và dân Trường Sa để khôi phục lại hệ thống cây và rau xanh bị nước biển xâm nhập. Đến nay, cơ bản các đảo đều được khắc phục xong hệ thống rau xanh nhằm đảm bảo đời sống cho mọi người. Ngoài ra, sẽ tiếp tục xử lý dứt điểm những cây xanh bị ảnh hưởng của nước mặn tràn vào”.     

Màu cờ đỏ thắm giữa biển xanh - Kỳ 2: Giọt mồ hôi mặn như nước biển

Chiến sĩ chăm sóc chu đáo các vườn rau

Giữa bốn bề biển cả mênh mông, hiện ra hòn đảo nhỏ hiên ngang vững vàng sức sống diệu kỳ - Sinh Tồn, cách đất liền 320 hải lý. Không có giếng nước ngọt nhưng đảo có nhiều cây xanh, bao quanh đảo có tường kè chắn. Đây là hòn đảo có ý nghĩa chiến lược đối với quần đảo Trường Sa. Trên đảo có tấm biển ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Thực thi mệnh lệnh và lời dạy của Người, CBCS đảo Sinh Tồn tập trung xây dựng đảo vững mạnh về mọi mặt; xác định đúng đối tượng, đối tác, nhất là đối tượng tác chiến trên vùng biển được đảm nhiệm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chủ động đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của đối phương, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Những năm qua, toàn đảo làm tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc quyền, chủ quyền trên biển, đảo.

Đảo Sinh Tồn, một cái tên đầy ý nghĩa. Có người bảo rằng tên gọi của đảo như muốn nói lên sự sinh ra trong trời đất và trường tồn mãi mãi với thời gian. Cũng có người nói rằng, Sinh Tồn là tên gọi thể hiện ý chí của những người sống trên đảo, bất chấp hiểm nguy, bất chấp cả những điều kiện khắc nghiệt nhất. Dù lý giải theo cách nào, cái tên Sinh Tồn với mỗi chúng tôi sẽ mãi còn in sâu trong ký ức về hình ảnh của ngư dân và những người chiến sĩ dũng cảm ngày đêm canh giữ vùng biển, đảo của quê hương. Tại buổi giao lưu văn nghệ, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hạnh (sinh năm 1985, quê Khánh Hòa). Từng là quân nhân xuất ngũ trong đất liền, anh cùng vợ tình nguyện ra đảo sinh sống hơn 5 năm. “Khi đặt chân lên đảo, bản thân tôi mới biết được sự bao la rộng lớn của Tổ quốc Việt Nam, sự hy sinh của ông, cha ta suốt chiều dài lịch sử. Vì vậy, tôi rất tự hào khi mình được đóng góp một phần công sức vào hoạt động bảo vệ Tổ quốc. Ngoài công việc thường ngày là đánh bắt hải sản, tôi còn tham gia lực lượng dân quân, chung sức giữ gìn, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - anh Hạnh chia sẻ.   

Cũng như vợ, chồng anh Hạnh, anh Trần Minh Thôi và chị Dương Thị Ngọc Hiệp (cư dân đảo Song Tử Tây) là một trong những gia đình đầu tiên tình nguyện ra cư trú, làm ăn tại xã đảo. Ngoài chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho các hộ dân, anh chị còn được tham gia vào nhiều tổ công tác của bộ đội trên đảo, như một chiến sĩ Hải quân thực thụ. Những ngày sóng yên, biển lặng, họ ra khơi đánh bắt thủy sản để cải thiện đời sống, trở lại thành người dân hiền hòa, chất phác. Cuộc sống của 7 hộ dân trên đảo ngày một ổn định, ai cũng yên tâm gắn bó với đảo, dẫu biết rằng vất vả trăm bề, giọt mồ hôi rơi ướt áo cũng mặn mòi như nước biển.

 (Còn tiếp)

Kỳ 3: Những viên gạch hồng xây nên tượng đài bất khuất

NGUYỄN HƯNG