Mờ mắt vì tiền

09/04/2018 - 06:49

 - Tòa án nhân dân tỉnh vừa mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chí Tâm (sinh năm 1978, ngụ thị trấn Cái Dầu, Châu Phú, An Giang) 18 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 17-10-2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2154/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dự án đầu tư (giai đoạn II) thuộc chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư (CTDC) và nhà ở vùng ngập lũ trên địa bàn tỉnh An Giang. 

Châu Phú được phê duyệt 4 CTDC, tổng cộng 1.180 nền, vốn đầu tư trên 42 tỷ đồng. Sau khi hoàn chỉnh xây dựng sẽ phân ra 2 loại nền nhà: nền cơ bản và nền linh hoạt. Đối với nền linh hoạt, được đưa ra bán đấu giá với tỷ lệ 30% số nền tại mỗi khu dân cư.

Theo quy định, cơ quan thường trực Hội đồng bán đấu giá huyện là Phòng Tài chính - Kế hoạch (TC-KH). Đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn người mua nền lập thủ tục nộp đủ số tiền trúng đấu giá vào Kho bạc Nhà nước huyện trong 15 ngày, kể từ khi quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu có hiệu lực.

Khi người trúng đấu giá đã nộp đủ tiền, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng (BQL) phối hợp các ngành liên quan tổ chức giao tài sản trong 30 ngày. Trên thực tế, khi thực hiện việc giao nền nhà cho người mua, Phòng TC-KH trực tiếp lập danh sách những nền đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và thông báo cho BQL và Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng tham gia giao nền.

Nguyễn Chí Tâm là cán bộ Phòng TC-KH, được giao nhiệm vụ theo dõi thu nợ và báo cáo tình hình CTDC, tham mưu phối hợp tổ chức bán đấu giá nền linh hoạt tại 4 CTDC giai đoạn II; hướng dẫn người mua nền làm các thủ tục để đăng ký quyền sử dụng đất.

Từ tháng 11-2011 đến tháng 12-2015, lợi dụng sự tin tưởng của lãnh đạo phòng và nhiệm vụ được giao, Nguyễn Chí Tâm đã lừa bán 51 nền nhà cho 40 người dân, lấy gần 2,7 tỷ đồng. Sau đó, ông ta làm giả, chỉnh sửa hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Thủ đoạn chiếm đoạt tiền của Tâm được xác định: đối với trường hợp người mua có tham gia đấu giá, sau khi có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá QSDĐ do UBND huyện ký, Tâm không hướng dẫn người mua đến nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước, mà ra biên lai thu tiền (biên lai nội bộ của Phòng TC-KH), hoặc ghi biên nhận nhận tiền của người mua, rồi… chiếm đoạt số tiền này. Khi người mua hối thúc làm giấy tờ, Tâm đánh tên người mua vào thông báo giao nền (giao chung với các hộ mua đã nộp ngân sách) gửi đến UBND xã có khu dân cư, Phòng TN&MT, BQL biết thời gian tiến hành giao nền.

Để hoàn tất thủ tục, Tâm làm “giấy xác nhận mất giấy nộp tiền vào ngân sách” trình lãnh đạo ký xác nhận. Còn đối với trường hợp người mua nền không tham gia đấu giá, Tâm sử dụng biên bản đấu giá và quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá QSDĐ của những người đã trúng đấu giá (nhưng bỏ không mua nền), sửa thành tên của người mua đã đưa tiền cho Tâm vào danh sách, kèm theo quyết định, hoặc chỉnh sửa quyết định.

Sau đó, Tâm điền thông tin người mua vào biên bản giao nền, trình lãnh đạo Phòng TC-KH và UBND xã ký. Hoàn tất hồ sơ xong, Tâm làm “giấy xác nhận mất giấy nộp tiền vào ngân sách” trình ký. Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Châu Phú, Phòng TN&MT huyện Châu Phú xác nhận đủ điều kiện, làm tờ trình và được UBND huyện Châu Phú cấp 24 GCNQSDĐ. Số nền còn lại, Tâm chưa kịp hoàn thành thì bị phát hiện.

Mặc dù 24 nền nhà trên chưa được người mua nộp tiền vào ngân sách, nhưng lãnh đạo Phòng TC-KH, BQL và cán bộ Phòng TN&MT được phân công giao nền nhà không kiểm tra đã ký tên vào biên bản giao nền. Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định: những cá nhân trên không nắm vững nguyên tắc, quy trình mua bán, giao nền; thiếu trách nhiệm, tin tưởng cấp dưới dẫn đến sai phạm. Tuy nhiên, họ không có vụ lợi cá nhân, tự nguyện khắc phục hậu quả gần 1,3 tỷ đồng.

Cấp ủy và UBND huyện Châu Phú đã xử lý kỷ luật đối với họ bằng nhiều hình thức, từ giáng chức, khiển trách và cảnh cáo. Xét thấy việc xử lý hành chính của UBND huyện đã nghiêm minh, thỏa đáng, cơ quan Cảnh sát Điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, việc Nguyễn Chí Tâm xuất, nhập cảnh trái phép sang Campuchia để đánh bạc là trái pháp luật. Hành vi này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, việc đánh bạc xảy ra tại Campuchia nên Tâm chỉ bị giáo dục công khai tại phiên tòa.

Lòng tham dẫn lối khiến bị cáo Tâm vứt bỏ tất cả, từ công ăn việc làm ổn định của bản thân, sự tin tưởng của các đồng nghiệp, niềm mong chờ nền nhà mới của người dân, đến cuộc sống gia đình êm ấm của chính mình. Trong số tiền đã chiếm đoạt, Tâm nướng sạch vào cờ bạc, chi xài cá nhân. Sau khi xảy ra sự việc, gia đình không đành lòng bỏ mặc, chạy đôn chạy đáo tìm cách khắc phục một phần hậu quả đối tượng gây ra. 18 năm tù và hơn 2,6 tỷ đồng cần phải khắc phục là hình phạt nặng nề dành cho hành vi thiếu suy nghĩ của Tâm. Từ một công chức cấp huyện trở thành tội phạm, kéo theo nhiều người cùng liên lụy.

Mờ mắt vì tiền

Bị cáo Tâm trong phiên tòa

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG