Nêu gương, nói phải đi đôi với làm

27/10/2018 - 09:26

Việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, cho thấy sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để mỗi cán bộ thật sự là công bộc của dân.

Trong cuộc sống hằng ngày, ở đâu và lĩnh vực nào cũng vậy, nêu gương có một giá trị tinh thần văn hóa cao quý, có tác dụng lan tỏa, truyền cảm hứng cho người khác để nhân lên những nét đẹp ở mỗi con người. Trong gia đình, bố mẹ nêu gương cho con cái; ở nhà trường, thầy nêu gương cho trò; với các cơ quan, đơn vị, người lãnh đạo nêu gương cho cấp dưới. Đối với Đảng ta, nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng. Đặc biệt, là đảng duy nhất cầm quyền nên đòi hỏi việc nêu gương phải càng cao và là yêu cầu tất yếu để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, dù ở hoàn cảnh nào, Đảng ta luôn luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Ðảng, đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Hai nhiệm kỳ qua, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành Quy định số 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Bộ Chính trị khóa XII ban hành Quy định số 55 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cùng với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng Đảng, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tuy nhiên, một số mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra chưa đạt yêu cầu. Nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, sách nhiễu nhân dân vẫn là vấn đề đáng quan ngại, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Từ Đại hội XII của Đảng đến nay, gần 60 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó một số phải xử lý hình sự, nhiều trường hợp là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.

Từ thực tế đó, việc tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao là một đòi hỏi cấp thiết. Quy định lần này xác định rõ trách nhiệm nêu gương trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương với những yêu cầu khá cụ thể. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Quy định có bốn điều thì hai điều dành cho các đối tượng cán bộ cấp cao nêu trên với 16 nội dung, gồm tám nội dung gương mẫu thực hiện, tám nội dung nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương là đội ngũ cán bộ cấp cao tinh túy của Đảng, được đào tạo bài bản, có năng lực, được Đảng lựa chọn, tin tưởng giao giữ các trọng trách lớn trong tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Đây là những cán bộ có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong quá trình hoạch định đường lối của Đảng, xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời là những người tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách ấy. Mỗi việc làm không tốt của một cán bộ sẽ làm xấu đi hình ảnh đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Ngược lại, việc nêu gương của mỗi cán bộ cấp cao sẽ có ý nghĩa thực tiễn và sức lan tỏa rất lớn trong các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, như Bác Hồ đã nói: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.

Việc ban hành Quy định số 08 nêu trên một lần nữa thể hiện quyết tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên của Đảng. Nhân dân rất tin tưởng và kỳ vọng việc thực hiện quy định này sẽ tạo một bước chuyển mới, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương, luôn gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, vừa thực hiện tốt “đạo đức công vụ”, vừa trau dồi, giữ gìn phẩm chất “đạo đức công dân”, nêu gương trong từng lời nói, trong từng việc làm nhỏ nhất; thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ: Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính,…

Theo BẮC VĂN (Báo Nhân Dân)