Nông dân thời nay

13/03/2018 - 01:00

 - Theo sự phát triển của xã hội, người nông dân (ND) từng bước đổi mới về tư duy trong sản xuất, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Đồng thời, thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm phát huy vai trò người ND trong tình hình mới.

Chủ tịch Hội ND tỉnh Châu Văn Ly cho biết: “ND An Giang cho thấy sự chủ động trong việc tiếp cận những thành tựu khoa học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Những thành tựu đó trải rộng trên nhiều mặt từ trồng cây ăn trái theo chuẩn VietGAP đến mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; từ việc canh tác lúa thông minh đến việc chế tạo ra những chiếc máy hữu ích cho việc đồng áng; từ việc tham gia chuỗi liên kêt sản xuất đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tiễn… tất cả cho thấy tinh thần đột phá, khẳng định vị thế người ND trong giai đoạn hội nhập”.

ND trồng hoa Đà Lạt trên núi Cấm

Theo ông Châu Văn Ly, phong trào ND thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả khả quan. Để công tác hỗ trợ ND đạt hiệu quả cao, Hội ND tỉnh đã tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và quỹ “Hỗ trợ ND”; rà soát số lượng doanh nhân và ND sáng tạo kỹ thuật để thành lập câu lạc bộ, tạo điều kiện thuận lợi để ND phát triển SX; phát động hội viên tham gia ủng hộ cuộc vận động “Người Việt Nam  ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo” và các chính sách an sinh xã hội khác… Đến tháng 3-2018, Hội ND tỉnh đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội làm hồ sơ giải ngân cho 125 hộ vay vốn từ chương trình sinh viên - học sinh, nước sạch và vệ sinh môi trường, chăn nuôi với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng.

Với sự trợ giúp đắc lực từ các cấp hội, ND đã mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận những mô hình làm ăn mới. Ông Võ Hữu Tăng ND xã Khánh Hòa, Châu Phú) chia sẻ: “Với kinh nghiệm làm vườn lâu năm cùng với sự động viên của Hội ND cấp xã, huyện, tôi mạnh dạn làm quen với cây bưởi da xanh ruột hồng và một số cây có múi khác. Được tạo điều kiện tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở xứ vườn Bến Tre, Tiền Giang… tôi đã đủ tự tin để thuần hóa thành công giống bưởi mới trên đất cồn Khánh Hòa. Hiện nay, vườn bưởi có thể mang đến nguồn thu khoảng 100 triệu đồng/năm cho gia đình tôi với diện tích canh tác 6.000m2”.

Ông Tăng thành công với giống bưởi da xanh ruột hồng

Nói về khát vọng vươn lên của người ND, Chủ tịch Hội ND huyện Châu Phú Huỳnh Minh Ngọc khẳng định: “ND hiện nay khá nhạy bén với việc chuyển đổi cơ cấu SX. Chỉ cần nhận thấy mô hình đó thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, bà con mạnh dạn đầu tư. Có thể lấy trường hợp của ND xã Ô Long Vĩ (Châu Phú) làm điển hình. Từ chỗ là vùng chuyên trồng lúa những năm trước đây, ND xã Ô Long Vĩ đã đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn chỉ trong thời gian ngắn”. Theo ông Huỳnh Minh Ngọc, ND chỉ cần được đến tham quan thực tế mô hình mới, được hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ và nhận thấy hiệu quả kinh tế thì họ sẽ mạnh dạn áp dụng. Đó là sự khác biệt về tư duy của ND hiện nay trong việc bắt kịp tốc độ phát triển của xã hội.

Để hỗ trợ ND thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gia đình, Hội ND tỉnh đã đẩy mạnh công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm cho bà con. Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ ND đã tổ chức 38 lớp dạy nghề với các ngành nghề: kỹ thuật trồng và thiết kế vườn, phun thuốc và sửa chữa máy phun thuốc BVTV, trồng và bảo quản nấm rơm, kỹ thuật chăn nuôi lươn, chăn nuôi bò, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, trồng rau an toàn… với sự tham gia của 1.150 hội viên ND các địa phương.

ND chế tạo máy phun thuốc BVTV

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con phát triển mở rộng SX. Để thực hiện được mục tiêu đó, Hội ND rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để ngày càng có nhiều ND SXKD tiêu biểu, xứng đáng với vai trò, vị thế trong giai đoạn hiện nay” - ông Châu Văn Ly kỳ vọng.    

THANH TIẾN