Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

06/05/2019 - 07:44

 - Nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, UBND tỉnh triển khai kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại.

Thời gian qua, với sự nỗ lực của ngành văn hóa, giáo dục, nhiều hoạt động đã góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, nhiều tiện ích, giúp người dân tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin và tri thức hiệu quả. Nhiều tổ chức, cá nhân phát triển các mô hình đọc sách trong cộng đồng; nhiều mô hình thư viện tư nhân, không gian đọc sách, tạo điểm sáng trong phát triển văn hóa đọc, tổ chức thư viện lưu động...

Để văn hóa đọc không bị mai một, xuống cấp, tỉnh triển khai thực hiện nhiều biện pháp xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản ấn phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Đến năm 2020, phấn đấu 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục và đào tạo, văn hóa, khoa học. 20 - 25% người dân ở khu vực nông thôn, 15 - 20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành.

Thông qua việc đọc và học tập suốt đời, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu 40 - 50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức. 85% người dân sử dụng thư viện (90% đối với học sinh, sinh viên) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ việc học tập, nghiên cứu và giải trí. Tỉnh tăng cường phát triển vốn tài liệu thư viện, đạt 0,45 - 0,55 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; trung bình mỗi người dân đọc 4 cuốn sách/năm. Mỗi cơ quan, ban, ngành đều có tủ sách dùng chung cho công chức, viên chức lao động. Đầu tư xây dựng thư viện huyện, thị xã, thành phố; 80 - 90% số xã được công nhận xã nông thôn mới có thư viện hoặc phòng đọc sách. Đầu tư chiều sâu trang thiết bị, công nghệ thông tin để thư viện các cấp, ngành đủ khả năng lưu trữ và tổ chức khai thác các loại hình tài liệu.

 Định hướng đến năm 2030, người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, trí thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Môi trường đọc tiếp tục được mở rộng với nhiều loại hình từ tỉnh đến cơ sở. Hoạt động thư viện có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân (bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị, xuất bản phẩm in và điện tử).

Để thực hiện hiệu quả, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc, khẳng định phát triển văn hóa đọc là điều kiện cần thiết trong mục tiêu nâng cao dân trí và học tập suốt đời. Hệ thống thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở, thư viện trường học tăng cường các hoạt động quảng bá về thư viện.

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch kèm theo dự toán kinh phí cụ thể cho từng năm đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu; kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp báo cáo, sơ kết, tổng kết việc thực hiện. Phối hợp xây dựng kế hoạch đầu tư thiết chế và kinh phí thực hiện bổ sung vốn tài liệu cho hệ thống thư viện công cộng. Tham mưu UBND tỉnh về mô hình phát triển văn hóa đọc, chuẩn bị các điều kiện cần thiết xây dựng thư viện điện tử trong Thư viện tỉnh, trong đó chú trọng xây dựng các bộ sưu tập tài liệu số về thế mạnh kinh tế của tỉnh và phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, học tập của đội ngũ trí thức, sinh viên, học sinh các cấp. Vận động và tìm nguồn tài trợ, xã hội hóa phục vụ phát triển văn hóa đọc.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU